scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Hiệp định vốn vay ODA Nhật Bản cho Việt Nam đạt mức kỷ lục
06/04/2012
1309
ESO - Chia sẻ với báo giới ngay sau lễ ký kết hiệp định vốn vay ODA của Nhật Bản diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định, cả 8 dự án vốn vay được ký kết lần này (có 3 dự án tại khu vực Hà Nội, 2 dự án ở khu vực TP.HCM, 2 dự án ở miền Trung và 1 dự án hỗ trợ tài chính toàn quốc) đều là những dự án rất quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển cân bằng và tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Tsuno cũng cho biết, cùng với các hiệp định vốn vay đã được ký kết vào ngày 15/6/2011 (40,94 tỷ yên cho 2 dự án) và hiệp định vốn vay ký kết ngày 2/11/2011 (92,65 tỷ yên cho 6 dự án), việc ký kết hiệp định vốn vay cho 8 dự án lần này với tổng giá trị 136,44 tỷ yên đã nâng tổng giá trị vốn vay cam kết trong năm tài khóa 2011 của Nhật Bản cho Việt Nam đạt tới 270,038 tỷ yên.

Trong lịch sử thực hiện vốn vay ODA của Nhật Bản, đây là lượng vốn ODA đạt mức kỷ lục mà Nhật Bản viện trợ cho một quốc gia trong một năm. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia nhận vốn vay viện trợ ODA của Nhật Bản nhiều nhất trong số các quốc gia trên thế giới.

Nhật Bản là nhà cho vay song phương lớn nhất của Việt Nam

Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển và hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và tính chất cạnh tranh với các nước láng giềng sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó để tăng trưởng kinh tế bền vững thì việc cải thiện môi trường đầu tư bao gồm cả việc trang bị cơ sở hạ tầng kinh tế và phát triển ngành công nghiệp chiến lược với các giá trị gia tăng cao hơn trở nên rất quan trọng. Ông Tsuno cũng lưu ý: “Bên cạnh việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia, Việt Nam cũng cần xem xét quan tâm tới vấn đề cải thiện cuộc sống ở khu vực nông thôn”. Theo đó, trong khi các dịch vụ y tế ở các khu vực đô thị của Việt Nam đã đạt được một cấp độ nhất định thì lĩnh vực y tế ở khu vực nông thôn tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ. Do vậy, vốn vay ODA được cung cấp lần này nhằm hỗ trợ tích cực cho việc cung cấp trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực cho các bệnh viện cấp tỉnh tại 10 tỉnh và thành phố (dự án phát triển bệnh viện tỉnh và khu vực giai đoạn II với giá trị 8,69 tỷ yên). Cùng với dự án này, vốn vay ODA cũng được cung cấp nhằm hỗ trợ tái trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương tại 11 tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện tích cực xóa đói giảm nghèo ở khu vực địa bàn dự án cũng như góp phần bảo vệ môi trường (dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn giá trị 7,70 tỷ yên).

 

Có thể khẳng định, những dự án được cam kết hỗ trợ lần này được kỳ vọng là sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam thông qua phát triển cơ sở hạ tầng đô thị quy mô lớn và xây dựng một trung tâm khoa học cũng như hỗ trợ thực hiện phát triển bền vững một cách cân bằng thông qua việc cải thiện dịch vụ y tế và cải thiện sinh kế, môi trường ở địa phương.

 

Chia sẻ thêm về mức vốn vay kỷ lục dành cho Việt Nam, ông Tsuno nhận định: Mặc dù vẫn phải gánh chịu nhiều khó khăn trong tiến trình khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất sóng thần nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ phát triển bền vững đối với các nước khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của JICA, tính đến hết tháng 3/2011, Việt Nam vẫn là quốc gia có sức hấp dẫn đầu tư lớn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, do đó việc cải thiện đầu tư tại Việt Nam sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho riêng Việt Nam mà còn giúp cho quá trình phục hồi nhanh chóng của Nhật Bản và toàn khu vực.

 

“Qua gần 20 năm thực hiện ODA, năng lực thực hiện dự án của các cơ quan thực thi tại Việt Nam từ công tác đấu thầu cho đến quản lý thi công đã được cải thiện. Điều này sẽ giúp cho việc tăng tốc giải ngân tại các công trình cơ sở hạ tầng được diễn ra thuận lợi”, ông Tsuno chia sẻ thêm. Ngoài ra để hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật cho các đơn vị thực thi dự án, JICA cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa việc cung cấp các chuyên gia kỹ thuật đến làm cho các đơn vị đầu mối thực thi dự án như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT nhằm nâng cao một bước hiệu quả của các dự án.

 

Đối với dự án Khu Công nghệ cao (CNC) Láng Hòa Lạc, ông Tsuno biết đây là một trong những dự án được cả 2 bên chú trọng và kỳ vọng nhiều. Đến nay Nhật Bản đã hỗ trợ thiết kế và sẽ cần khoảng 50 tỷ yên Nhật cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ tiến hành đấu thầu các hạng mục chính và đến năm 2013 sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 hoặc 2016. “Công trình này được kỳ vọng sẽ là một trung tâm trọng điểm về khoa học công nghệ, không chỉ tạo sức hút, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ”, ông Tsuno đưa ra kỳ vọng.   

 

Trong số 8 dự án vốn vay lần này, Nhật Bản sẽ áp dụng 4 mức lãi suất khác nhau, trong đó có điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) cho 3 dự án với mức lãi suất 0,2%/năm, thời gian hoàn vốn là 40 năm (ân hạn 10 năm); 01 dự án áp dụng điều khoản ưu đãi với lãi suất 0,65%/năm; 01 dự án áp dụng điều kiện vốn vay ODA cho biến đổi khí hậu với lãi suất 0,3% và các dự án còn lại áp dụng điều khoản thông thường với mức lãi suất 1,4%/năm.

 

Ngoài ra, để đảm bảo công bằng và khả năng cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, chính phủ Việt Nam và JICA sẽ cùng thảo luận, xác định các dự án mà Việt Nam sẽ thực hiện kiểm tra đánh giá hậu dự án thông qua một cơ quan thứ 3 và chi phí cho việc kiểm tra đánh giá này không bao gồm trong các khoản vay ODA của Nhật Bản.

 

Theo Báo Kinh tế Việt Nam


NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới