scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Nữ họa sĩ Toba Mika: “Cầu nối” văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
02/06/2012
1382
Theo đánh giá của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: Trong nhiều nhân tố giúp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển, sự tương đồng và hợp tác trên lĩnh vực văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng. Một trong những nhân vật có nhiều đóng góp trong hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước là họa sĩ nổi tiếng Toba Mika - giáo sư Trường Đại học Kyoto Seika, Nhật Bản.

Nhân kỷ niệm 1300 năm Heijo-Nara và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, từ ngày 6 đến 25-12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm tranh Katazome của họa sĩ Toba Mika với tên gọi “Nara và Hà Nội - kết nối những kinh đô vĩnh hằng”. Triển lãm do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, BTC triển lãm tranh Katazome của nữ hoạ sĩ Toba Mika tại Hà Nội phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, UBND TP. Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Toba Mika sinh tại tỉnh Aichi. Tốt nghiệp cao học tại Trường đại học Nghệ thuật Kyoto. Cô là người có công đưa Katazome (kỹ thuật nhuộm màu độc đáo của Nhật Bản) vào thế giới hội họa và sáng tạo nên một bút pháp mỹ thuật hiện đại mới. Với một nguồn năng lượng dồi dào, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nhuộm màu “Katazome” có từ xa xưa của Nhật Bản, nữ hoạ sĩ Toba Mika đã thể hiện những cảnh sắc thay đổi của Việt Nam trên những bức tranh khổ lớn. Đến với triển lãm, công chúng yêu hội hoạ sẽ được thưởng lãm phong cảnh của cố đô Nara và Việt Nam đã được nữ họa sĩ thể hiện bằng kỹ thuật Katazome.


Một số tác phẩm của họa sĩ Toba Mika

 Lần đầu tiên Toba Mika tới Việt Nam là năm 1994. Cuộc sống và con người Việt Nam đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim nữ họa sĩ đến từ đất nước hoa Anh Đào. Những con phố nhỏ của Hà Nội, những ngôi nhà ven sông ở TP. Hồ Chí Minh, những âm thanh lao xao của một cuộc sống đô thị đang phát triển, phong cảnh miền nhiệt đới... tất cả đã để lại những ấn tượng đẹp nơi Toba Mika. Trong một lần tới Việt Nam, Toba Mika từng tâm sự: “Việt Nam có một số di sản thế giới, nhưng riêng tôi, tôi đặt tên cho những phong cảnh này là “di sản thế giới của riêng mình”... Tình yêu Việt Nam của Toba Mika đã được hình thành, lớn dần và sâu đậm thêm sau mỗi chuyến sang Việt Nam (Toba Mika đã đến Việt Nam khoảng 20 lần). Những cảm nhận về cảnh sắc tự nhiên và tâm hồn bình dị, cởi mở của người Việt Nam đã được chị thể hiện tập trung vào những bức “tranh nhuộm Katazome” ngày một dày thêm qua gần 20 năm miệt mài sáng tác. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật tranh độc đáo của Nhật Bản, đòi hỏi tài năng, sự tinh tế và công phu của người nghệ sĩ mà chính họa sĩ Toba Mika là người đã dồn hết tâm huyết để bảo tồn và cách tân cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Một loạt những bức tranh khổ lớn khắc họa cảnh sắc thay đổi của các vùng, miền trên đất nước Việt Nam qua cảm nhận của nữ họa sĩ Toba Mika như: Ánh sáng Việt Nam, Hồi tưởng Việt Nam, Nhắn Hà Nội, Mỹ Sơn, Dòng sông qua kinh thành Huế, Rời Đà Nẵng, Phố cũ Sài Gòn, Chợ Lớn, Phố phường Hoàn Kiếm... đã được đánh giá cao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định trao tặng nữ họa sĩ Nhật Bản Huy chương vì sự nghiệp văn hóa. Ở Nhật Bản, nữ họa sĩ Toba Mika cũng đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng cao của thành phố Kyoto dành cho nghệ sĩ tài năng mới (năm 2003).  

Các triển lãm của họa sĩ Toba Mika tổ chức tại Việt Nam:

Triển lãm Phong cảnh Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 25-12-2001 đến 14-1-2002.

Triển lãm “Toba Mika: Mười năm hồi tưởng phong cảnh Việt Nam (1994-2003) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tokyo.

Triển lãm Toba Mika – từ Tokyo đến Huế, Huế - Cố đô luôn tràn đầy tình thương năm 2005 tại Nhật Bản và Huế.

Triển lãm “Nara và Hà Nội – kết nối những kinh đô vĩnh hằng” tại Nhật Bản (Nara) từ ngày 5-10 đến 11-11-2010; tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 6 đến 25-12-2010.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới