scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Đón vốn đầu tư gián tiếp từ Nhật Bản
15/06/2012
1161
Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Nhật Bản dưới hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đó là nhận định của các diễn giả tại Diễn đàn M&A Vietnam 2012 do Báo Đầu tư và Công ty AVM phối hợp tổ chức tại TP.HCM tuần qua.


Không khí hào hứng được ghi nhận một cách rất tích cực từ cả bên mua và bên bán ngay tại Diễn đàn và trong phiên kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Việc đánh giá kết quả lúc này vẫn còn khá sớm, song các mục tiêu cơ bản và bước đầu hợp tác giữa các bên thời kỳ hậu M&A được các bên đánh giá là khả quan.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám Vietcombank, đơn vị bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết, việc chọn đối tác Mizuho giúp Vietcombank đạt được 2 mục tiêu quan trọng nhất: tăng năng lực tài chính và đổi mới về quản trị, điều hành.

Cùng chung quan điểm này, ông Yukata Abe, đại diện Ngân hàng Mizuho cho rằng, lợi điểm lớn nhất của Mizuho là kết nối được với đối tác lớn nhất và có mạng lưới rộng khắp cả nước tại Việt Nam.

Về phần mình, ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Diana Việt Nam cho biết, Diana đã không gặp khó khăn gì về vấn đề nhân sự hậu M&A với Unicham của Nhật Bản, mặc dù nhân sự thường là trở ngại lớn nhất của các vụ M&A ở Việt Nam trong quá trình đàm phán cũng như thời kỳ hậu M&A, do sự khác biệt về văn hoá.

“Các công ty Nhật Bản rất coi trọng giá trị người lao động, coi đây là giá trị quan trọng thứ 2, sau khách hàng. Vì vậy, nếu lãnh đạo doanh nghiệp Việt xây dựng được đội ngũ nhân sự có năng lực và văn hoá doanh nghiệp lành mạnh, thì việc thực hiện M&A với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ suôn sẻ và đảm bảo khả năng phát triển lâu dài”, ông Tú chia sẻ.

Nhìn nhận xu hướng M&A, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Số vụ M&A gia tăng mạnh thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã coi đó là một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường và là một trong những giải pháp để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động M&A đang được cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là khi nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi phải đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc”.

Nhu cầu tái cấu trúc để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước và tận dụng năng lực và vị thế quốc tế cũng như nguồn vốn của các công ty nước ngoài đang là động lực để các công ty Việt Nam giải quyết những khó khăn tài chính trước mắt và hiện thực hoá chiến lược củng cố vị thế tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Có thể thấy, tình hình tín dụng khó khăn trong năm 2011 và tiếp tục trong năm 2012 là một động lực quan trọng cho hoạt động M&A. Thêm vào đó, với lợi thế về chi phí vốn, các tổ chức đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội tại thị trường M&A Việt Nam.

“Bên cạnh lợi thế chi phí vốn giá rẻ, việc thị trường chứng khoán đi xuống trong giai đoạn hiện nay cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho bên mua trong việc tiến hành các thương vụ M&A. Đầu tư mở rộng sản xuất sẽ là xu thế nối tiếp từ năm 2013 và 2014”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital chia sẻ.

Nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản ra bên ngoài hiện rất dồi dào, bởi bên cạnh vốn doanh nghiệp, còn có vốn tài trợ của Chính phủ và nguồn vốn rất lớn của các quỹ. Để đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản qua hoạt động M&A, theo các công ty tư vấn đầu tư của Nhật Bản như RECOF, Esuhai, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt trước khi tiến hành đàm phán M&A theo hướng chuẩn hoá quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, đào tạo lao động và nâng cao kỷ luật lao động, minh bạch hoá thông tin.

Cũng theo các công ty này, các doanh nghiệp Việt Nam có mạng lưới bán hàng và marketing phát triển rộng sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý nhiều hơn, vì hiện đã có sự dịch chuyển từ đầu tư dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam để xuất ngược lại Nhật Bản, sang xu hướng biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất cung cấp hàng hoá cho thị trường nội địa và khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, theo ông Satomura Yasuke, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Esuhai, một công ty tư vấn nhân sự của Nhật Bản, để nâng cao giá trị doanh nghiệp trong đàm phán M&A, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu về tiêu chuẩn “5S Kaizen Standard” - tiêu chuẩn cơ bản về sản xuất ở của các công ty Nhật Bản.

 

Theo Báo Đầu tư

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới