scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Bản tin Pháp lý tháng 07.2012
05/08/2012
815

KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC PHẢI NỘP TIỀN

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước (TNN) phải nộp tiền cấp quyền khai thác nếu mục đích khai thác nước nhằm: phát điện có mục đích thương mại; phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.

Đây là nội dung mới trong Luật tài nguyên nước 2012 đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua vào ngày 21/6/2012.

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, chính sách TNN nhằm coi TNN là tài sản của nhà nước, thực hiện chủ trương kinh tế hóa, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất TNN theo lưu vực sông kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính, Luật còn bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy…

Ngoài ra, Luật bổ sung các quy định về tiết kiệm nước; chuyển nước lưu vực sông; thăm dò, khai thác nước dưới đất và các quy định về khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt; các biện pháp quản lý quy hoạch, xây dựng và khai thác, sử dụng nước của hồ chứa nhằm sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn TNN.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày 20/6/2012 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật ra đời có rất nhiều quy định mới, mức xử phạt cũng nặng hơn nhiều so với trước đây.

Theo đó, Luật quy định được phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung đối với cùng hành vi vi phạm trong 3 lĩnh vực: Giao thông đường bộ; Môi trường; An ninh trật tự, An toàn xã hội, đồng thời chỉ áp dụng tại khu vực nội thành của Thành phố trực thuộc TW. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) dao động từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với các VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Việc tạm giữ phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết và chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn nguy hiểm cho xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 24/2012/QH13 thi hành Luật này cũng hướng dẫn không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm.

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013.

LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 2012

Sau một thời gian chờ đợi, Luật giáo dục Đại học 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm có: Trường cao đẳng; Trường đại học, học viện; ĐH vùng, ĐH quốc gia; Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trong quá trình xây dựng Luật, một mục tiêu đặt ra là chất lượng ĐH phải phát triển đi đôi với quy mô cơ sở. Vì thế, Luật này đã có nhiều quy định về chất lượng GDĐH như tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục; công bố công khai chất lượng đào tạo; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, sau 04 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định này hết hiệu lực. Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định cho phép hoạt động đào tạo có hiệu lực, nếu cơ sở không triển khai hoạt động đào tạo thì quyết định cho phép hoạt động đào tạo hết hiệu lực.

Cơ sở GDĐH công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định và được công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.

Luật giáo dục đại học ra đời là một bước tiến mới trong lĩnh vực giáo dục. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

THUẾ SUẤT NK NGOÀI HẠN NGẠCH LÊN ĐẾN 100%

Hàng hoá nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) ngoài số lượng hạn ngạch nhập khẩu (NK) hàng năm thì phải nộp thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch theo biểu thuế vừa được Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 111/2012/TT-BTC ngày 04/7/2012.

Theo đó, mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch thấp nhất là 50% đối với mặt hàng nước biển, cao nhất 100% đối với các loại đường đã pha thêm hương liệu hoặc chất màu. Riêng các mặt hàng trứng gà thuộc loài Gallus domesticus, trứng vịt, mức thuế suất ngoài hạn ngạch là 80%; đường đã tinh luyện là 85%; các loại muối áp dụng thuế suất 60%.

Hàng hoá NK trong số lượng hạn ngạch NK hàng năm áp dụng thuế suất quy định tại Biểu thuế NK ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt mà Việt Nam có cam kết.

Trường hợp theo Hiệp định khu vực thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có cam kết thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch thấp hơn so với mức thuế suất quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo quy định tại các Hiệp định đó (nếu thoả mãn các điều kiện được hưởng). Trường hợp mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch tại các Hiệp định đó cao hơn mức thuế suất quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/8/2012, thay thế Thông tư số 188/2009/TT-BTC ngày 29/9/2009.

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG MỚI VỀ ĐĂNG KÝ THUẾ

Mã số thuế 13 số được cấp cho các chi nhánh, VPĐD, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có phát sinh nghĩa vụ thuế kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng công ty, trực thuộc DN có phát sinh nghĩa vụ thuế.

Nội dung trên được Tổng cục Thuế nêu ra trong Công văn 2357/TCT-KK hướng dẫn một số quy định mới tại Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012.

Ngoài ra, DN nhận sáp nhập sẽ giữ nguyên mã số thuế và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của các DN bị sáp nhập. Các DN bị sáp nhập sẽ chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Đối với DN bị tách có phát sinh thay đổi thông tin đăng ký thuế, DN phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế trong thời hạn là 10 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD. DN được tách phải thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế khi có Quyết định tách DN và chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận ĐKKD.

Tổ chức, cá nhân tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý chậm nhất là 05 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo phải ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc tạm ngừng kinh doanh, lý do tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá 01 năm.

Công văn trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

KIỂM TRA SỔ BHXH KHI HƯỞNG CHẾ ĐỘ BHXH

Nhằm hạn chế sai sót trong việc giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, ngày 09/7/2012, BHXH Việt Nam đã có Công văn 2648/BHXH-CSXH về việc kiểm tra rà soát sổ BHXH trước khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ chấn chỉnh tất cả các khâu nghiệp vụ liên quan đến công tác thu, cấp và quản lý sổ BHXH; tăng cường công tác kiểm tra; phối hợp với Trung tâm Thông tin hoàn thiện phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ; xây dựng kế hoạch phòng, chống lạm dụng quỹ BHXH.

Các cơ quan trên phải thống kê lại toàn bộ sổ BHXH đã chốt bảo lưu thời gian đóng BHXH từ khi cấp sổ BHXH đến thời điểm 30/6/2012, báo cáo BHXH Việt Nam chậm nhất vào ngày 31/12/2012.

Công văn cũng yêu cầu phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ nếu có dấu hiệu nghi ngờ khi giải quyết hưởng các chế độ đối với các sổ BHXH có thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 bị cách quãng, được cộng nối thời gian công tác trước ngày 01/01/1995, các sổ BHXH cấp theo Công văn số 843/LĐ-TBXH, Thông tư số 26/2003/TT-BLĐTBXH, sổ BHXH do các cơ quan nêu trên chốt bảo lưu thời gian đóng BHXH chuyển đến.

Công văn có hiệu lực kể từ ngày ký.

LUẬT BIỂN - KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

Ngày 01/01/2013, Luật Biển Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực - điều mà nhiều người dân Việt Nam mong đợi trước bối cảnh chủ quyền (CQ) biển đảo hiện nay.

Đây là khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế..., khẳng định Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; đề cập toàn diện đến CQ, quyền CQ và các quyền khác.

Theo đó, mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải tôn trọng CQ, toàn vẹn lãnh thổ, quyền CQ, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam. Phân định quy chế pháp lý cho từng vùng biển, những quyền và nghĩa vụ của tàu nước ngoài, từ đó áp dụng các biện pháp xử lý nếu xảy ra vi phạm.

Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, mọi chủ thể không được đe dọa CQ, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; gây ô nhiễm môi trường; cướp biển và các hoạt động trái phép khác. Việt Nam có quyền thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải để bảo vệ CQ, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải…

Luật Biển Việt Nam 2012 là tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng nhưng để đưa luật vào cuộc sống thì cần có cơ chế thực thi phù hợp.

THUẾ SUẤT THUẾ XK DỪA QUẢ GIẢM CÒN 0%

Bộ Tài chính vừa mới ban hành Thông tư 114/2012/TT-BTC ngày 18/7/2012 điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả thuộc nhóm 0801 trong Biểu thuế xuất khẩu quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011.

Theo đó, thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dừa quả sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 0%, trong khi hiện nay mức thuế suất cho mặt hàng này là 3%. Cũng trong nhóm 0801 còn có quả hạch Brazil và hạt điều tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ hoặc lột vỏ thì được giữ nguyên mức thuế suất là 0%.

Ý nghĩa của việc điều chỉnh này là nhằm mục đích giảm thiểu khó khăn cho người trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu, khi diện tích trồng dừa đang có xu hướng thu hẹp dần và giá dừa xuống thấp. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân.

Thông tư 114/2012/TT-BTC này được bắt đầu áp dụng kể từ ngày 01/9/2012.

CHIẾN LƯỢC XNK HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030

Nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Quyết định 2471/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 ban hành chương trình hành động thực hiện Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11% -12%/năm trong thời kỳ 2011-2020; Tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa tăng 10% - 11% /năm; Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Ngoài ra, Quyết định còn đưa ra 7 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện chiến lược như sau: Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; Hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ XNK hàng hóa và đầy nhanh xã hội hóa dịch vụ logictics; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Kiểm soát nhập khẩu; Nâng cao sức mạnh của Doanh nghiệp và vai trò của Hiệp hội ngành hàng.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NHÀ Ở DÀNH CHO CÁN BỘ

Các dự án phát triển nhà ở sử dụng quỹ đất an ninh chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải được dành ít nhất 80% diện tích sàn nhà ở trong dự án để bán theo giá bán chính sách cho cán bộ Công an.

Quy định trên đã được Bộ Công an hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 41/2012/TT-BCA ngày 11/7/2012.

Theo đó, giá bán nhà ở theo giá chính sách được thực hiện theo các nguyên tắc: Tính đủ các chi phí để bảo đảm thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có); Tiền sử dụng đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí hợp pháp khác; Lợi nhuận định mức tùy theo từng dự án nhưng không quá 10% giá thành 1m2 sàn nhà ở; Giá bán theo nguyên tắc trên được tính thêm kinh phí bảo trì theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Tùy điều kiện cụ thể của từng dự án khi ký hợp đồng giao chủ đầu tư, đơn vị thỏa thuận với chủ đầu tư điều tiết một phần lợi nhuận thu được từ việc bán căn hộ diện kinh doanh, nhằm giảm giá thành căn hộ cho cán bộ Công an. Ngoài ra, việc xét duyệt danh sách cán bộ được mua nhà tại các dự án phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy chế, tiêu chuẩn xét duyệt do Bộ ban hành, bảo đảm ưu tiên cho các cán bộ thực sự có khó khăn về chỗ ở.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27/8/2012.

CHIẾN LƯỢC NỢ CÔNG, NỢ NƯỚC NGOÀI 2011-2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012. Theo đó, chiến lược đặt ra một số chỉ tiêu:

Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước. Phấn đấu đến năm 2015 bội chi ngân sách dưới 4,5% GDP, giai đoạn 2016-2020 tương đương 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP; Cơ cấu danh mục nợ, điều kiện vay, sử dụng vốn vay điều chỉnh theo hướng tăng tỉ trọng nợ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài của quốc gia.

Duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài ở mức an toàn: Nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; Đảm bảo chỉ tiêu tỉ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ về thể chế chính sách trong quản lý nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của Quốc gia, đảm bảo đồng bộ, ổn định, phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký.

VIỆT NAM VÀ CƠ CHẾ MỚI VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế, ngày 26/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng.

Công ước này đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn ngày 30/6/2009, thông qua Quyết định số 950/2009/ QĐ - CTN

Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc TW, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện Công ước về các nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến về Công ước; Rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện Công ước; Tương trợ tư pháp trong khuôn khổ Công ước; Trao đổi thông tin liên quan đến Công ước; Hỗ trợ kỹ thuật, tham gia cơ chế đánh giá việc thực hiện Công ước; Tổ chức và tham gia các hội nghị, thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan đến Công ước.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động thực thi Quy chế này; đề xuất thực hiện các nhiệm vụ phát sinh khác nhằm thực thi Công ước và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Công ước trên phạm vi cả nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2012.

GIỚI HẠN CHI HOA HỒNG BẢO HIỂM

Ngày 06/8/2012, Thông tư 101/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (BH), doanh nghiệp tái BH thực hiện thí điểm BH nông nghiệp sẽ có hiệu lực.

Theo đó, Doanh nghiệp BH được phép chi hoa hồng BH cho đại lý BH, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm BH nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí BH nông nghiệp.

Đối với chi bán hàng, chi quản lý cho hoạt động triển khai thí điểm BH nông nghiệp của doanh nghiệp BH: Doanh nghiệp BH được chi, hạch toán phân bổ vào chi phí quản lý của hoạt động triển khai thí điểm BH nông nghiệp và được quyết toán đảm bảo không vượt quá tỷ lệ 15% doanh thu phí BH nông nghiệp. Doanh nghiệp tái BH được chi quản lý, chi bán hàng và hạch toán phân bổ vào chi phí không vượt quá 3,5% doanh thu phí nhận tái BH nông nghiệp thí điểm.

Ngoài ra, trong năm tài chính, doanh nghiệp BH, doanh nghiệp tái BH lỗ từ hoạt động triển khai thí điểm BH nông nghiệp thì được hạch toán khoản lỗ này vào kết quả hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp bị lỗ do lỗ của hoạt động thí điểm BH nông nghiệp sẽ được chuyển lỗ sang năm sau theo quy định của pháp luật.

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới