scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản
23/08/2012
4686
Từ 1-15/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chính thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản.



Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thu nhập cao tại Nhật Bản.

Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), cuối tháng 4/2012, đại diện phía Việt Nam và Nhật Bản đã ký Thư trao đổi về hợp tác di chuyển thể nhân. Theo đó, hai bên đã thống nhất triển khai Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ là đơn vị trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chương trình này.

Ứng viên điều dưỡng là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Ứng viên hộ lý là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm và làm công việc hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Người đăng ký tham gia chương trình là công dân Việt Nam không quá 35 tuổi; đủ điều kiện sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật của Việt Nam; có nguyện vọng tham gia chương trình.

Về chuyên môn, đối với vị trí ứng viên điều dưỡng, người đăng ký cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh Việt Nam; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề). Đối với vị trí ứng viên hộ lý, người đăng ký cần tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc đại học điều dưỡng đa khoa (4 năm).

Những người đăng ký đáp ứng được tiêu chuẩn về chuyên môn sẽ được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong vòng 12 tháng tại Việt Nam. Chương trình đào tạo dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2012.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, người đăng ký phải tham dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm và đạt được trình độ tiếng Nhật ở cấp độ N3 (trình độ tiếng Nhật được phân theo 5 cấp độ: N1, N2, N3, N4 và N5, trong đó N1 là cấp độ cao nhất).

Chỉ đối với những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) sẽ phối hợp với phía Nhật Bản giới thiệu các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng, hộ lý để lựa chọn.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm nhằm đạt được Chứng chỉ quốc gia với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý.

Các ứng viên không thi đỗ chứng chỉ trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản được phép quay lại Nhật Bản để dự thi mà không phải đáp ứng các điều kiện mới (chỉ dự thi, không được làm việc cho đến khi thi đỗ và có được chứng chỉ).

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ thông báo danh sách người đăng ký đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu để tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn) và gửi danh sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu theo địa chỉ mà người đăng ký cung cấp.

Hiện nay, có hơn 36.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 18.000 thực tập sinh và lao động đang làm việc trong các ngành nghề với mức thu nhập hấp dẫn. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn dành cho lao động Việt Nam.

Theo chinhphu.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới