scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện > My way
[Nghe Podcast] Trương Thị Yến - Không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc
25/03/2022
1770
Thi đỗ 2 trường đại học, sau đó thì tốt nghiệp ra trường với một công việc ổn định, có mức thu nhập khá thời điểm đó nhưng bạn Trương Thị Yến đã quyết tâm tạm gác lại mọi thứ để lựa chọn hướng đi mới mang tên Nhật Bản. Nếu bạn còn đang phân vân không dám dấn thân, hay bạn thiếu tự tin vào chính mình để can đảm bức phá trên con đường xây dựng tương lai, thì hãy gặp gỡ bạn Trương Thị Yến, để lắng nghe những chia sẻ về hành trình của "cánh én bé nhỏ" tại đất nước mặt trời mọc và tiếp thêm động lực cho mình bạn nhé!

00:00
00:00

Cảm ơn ban biên tập đã cho tôi một cơ hội để chia sẻ câu chuyện của mình.
Xin chào các bạn, mình là Trương Thị Yến!
Cũng như các bạn cùng trang lứa khác, tôi là một đứa bình thường trong những đứa bình thường, ngoại hình không quá nổi bật, năng lực cũng bình thường nhưng tôi luôn tự dặn mình phải rèn một nội lực, ý chí mạnh mẽ.

Sinh ra giữa lòng miền Trung “gió Lào cát trắng’’ từ nhỏ tuy không cơ cực nhưng một gia đình thuần nông thì kinh tế cũng không khá giả nhiều. Tuổi thơ êm đềm trôi đi là những ngày đón tết bên bánh chưng xanh, lòng vui sướng khi đầu năm được mẹ mua cho tấm áo mới; là những giọt tí tách mồ hôi cha rơi hoà vào tiếng vi vu cánh diều những chiều chăn trâu mùa hạ tôi cùng chúng bạn; là mùi thơm vở mới, tiếng tíu tít bạn bè ngày mùa thu tựu trường; là cái lạnh căm căm của gió mùa Đông Bắc tràn về làm nứt chảy máu gót chân mẹ đã chai sần vì năm tháng lo cho 3 chị em tôi ăn học. Tuổi thơ tôi trôi qua như vậy.

Ngày niên thiếu, gia đình luôn là động lực đầu tiên, mạnh mẽ nhất thôi thúc cho những quyết định của chúng ta chăng? Khi thấy tay quệt những giọt mồ hôi nhưng miệng vẫn cười thật tươi bằng cả ánh mắt tự hào của cha mẹ khi nghe tôi khoe những thành tích học tập, tôi biết mình phải làm gì để người không phải phiền lòng vì bản thân nữa rồi. Tự ôn thi và đậu hai trường đại học có lẽ là món quà đầu tiên tôi có thể tặng cho những nỗ lực vất vả bao năm của cha mẹ. Có ai thấy đâu những lần nghỉ hè về nhà, mỗi năm trông cha mẹ lại già thêm nó đã quay lưng đi mà quệt nước mắt một mình. Tự dặn lòng sẽ sống thật tốt, học thật tốt, có việc làm ổn định để lo lại cho cha mẹ. Phải chăng những tháng năm ấy đã bồi đắp cho tôi ý chí tự lập, tự vươn lên mà không ỷ lại.

Bốn năm đại học trôi đi, chưa nhận bằng tôi đã được nhận ở một công ty làm về thiết bị điện, với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và nhiệt tình. Vô công ty ai cũng thương mến, công việc cũng thuận lợi, Sếp càng ngày càng giao nhiều trọng trách lớn và ưu ái hơn, nhưng một ngày thấy những bức hình của cậu em gửi về từ Nhật Bản thì mấy đêm không ngủ được. Niềm thôi thúc bước khỏi “vòng tròn an toàn” đã đọc được trong tinh thần Tony Buổi Sáng thời sinh viên lại trỗi dậy. Mình phải xuất ngoại thôi, đời này chỉ một lần không thể sống hoài sống phí. Nghĩ là làm, viết đơn nghỉ việc lên nộp mà Sếp không tin. Sau này khi về nước anh mới kể, ngày ấy tưởng tôi nhảy việc nên buồn lòng lắm nhưng sau biết thân gái một mình “băng băng lối nhỏ” qua Nhật để làm việc và học hỏi thì càng thương hơn.

Cánh Én bé nhỏ đã tự mình quyết định một việc lớn trong đời, gọi điện thông báo với cha mẹ xong đi thẳng lên Esuhai nơi em trai tôi đã chọn làm bên phái cử trước đó để nghe tư vấn về các chương trình liên kết với bên Nhật Bản. Sau mấy đêm cân nhắc thì tôi quyết định chọn chương trình thực tập sinh kỹ năng. Chi phí vừa phải, thu nhập tạm ổn, có thể làm và tự học, có thời gian để đi thăm thú đây đó, đúng tiêu chí, duyệt! Nhưng có một vấn đề lúc này đó là sĩ diện Á Châu, đấu tranh tư tưởng dữ lắm (nghe đâu cái này chỉ dân Châu Á mới có nên họ gọi vậy), cứ nghĩ mình được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, đang có công việc đúng chuyên ngành lại đi lao động chân tay, sợ mất mặt. Lý trí như cái bạt tai tát vào sỹ diện rằng không lẽ ở Việt Nam cả đời, sẽ mãi nghèo, mãi dốt, sáng cà phê tối trà sữa, chém gió tối ngày, kém mọn mãi như vậy sao. Làm tới thôi! Vậy là quyết định và đăng ký học ngay. Những ngày sau đó là những ngày tháng học hành và rèn luyện không ngừng nghỉ. Mới đầu học thấy sao tiếng Nhật khó nhằn, đã vậy sao Thầy Sơn lại còn bắt học Oden chi vậy, rồi nhũn chí khi mãi không qua bài kiểm tra thể lực dù hằng ngày đã rèn luyện chăm chỉ. Nhưng đến khi đậu phỏng vấn đậu ngay lần đầu tiên tôi mới hiểu rằng ở Esuhai không có gì là vô nghĩa, mọi thứ đều có lý do, logic và trật tự. Đó chính là những gì tạo nên thương hiệu học viên Esuhai khác biệt. Quay lại chuyện trải qua việc rèn luyện và học tập ở trường, mỗi lần gặp khó khăn hay nhụt chí tôi đều tự nhủ, những sempai đi trước làm được thì tôi cũng sẽ làm được, không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Tiến lên nào cô gái!

Làm việc ở công ty tiếp nhận 3 năm là thời gian tươi đẹp tôi có ở Nhật, làm việc hết con tim, học hỏi mọi nơi mọi lúc, tuân thủ pháp luật và luôn cho đi. Đó là những gì tôi luôn tâm niệm khi ở bên đó. Ngoài thời gian làm việc trong tuần và học thêm cuối tuần ở các trung tâm dạy Tiếng Nhật miễn phí ra thì những ngày lễ, tôi trích ra một phần lương tháng trước đó để đi rất thăm thú đây đó rất nhiều. Khoản này bạn đừng coi là chi phí, hãy xem đó là nguồn đầu tư nhé! Vì biết đâu bạn lại học hỏi được cái gì hay ho cho tương lai sau này thì sao, phải không nào? Đến mỗi nơi khác nhau trên đất Nhật tôi hay xem họ có cái gì hay ho hơn mình? Cái họ có mà mình không có? Cái này làm như nào? Cái này thành phần là gì, sử dụng như nào? Chỗ kia sao trông lạ nhỉ, cái này bên mình có chưa? Có triển khai được không? Cứ thế thời gian tại Nhật trôi đi thật nhanh. Tôi liền nghĩ ngay mình phải chuẩn bị bước đệm cho việc trước khi về nước. Mọi thứ như hồ sơ bằng cấp scan sẵn hồi trước đi, CV tiếng Nhật, tiếng Việt; thư xin việc đều đã chuẩn bị sẵn sàng file ở trong máy tính nhưng ngồi nghĩ lại, nếu cứ đi con đường cũ ấy thì khi nào mình sẽ nới rộng được cái zoom thu nhập của mình. Nên sau khi “yêu 100, chọn 10 lấy 1’’ thì tôi quyết định sau khi kết thúc chương trình Thực tập sinh sẽ chọn phân phối sản phẩm cho một công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Thật ra công việc này không liên quan trực tiếp đến công việc tôi đi làm tại Nhật đâu các bạn ạ! Nhưng nếu không đi Nhật, tôi sẽ không có nhiều mối quan hệ đáng để học hỏi, không có được sự tự tin để làm tốt công việc hiện tại, cũng như hoạch định ra nhiều kế hoạch trong tương lai cho mình. tôi cảm thấy sau khi về nước, bản thân đã kịp bắt nhịp ngay với công việc và cuộc sống khá ổn, không phải chật vật đi rải hồ sơ như ngày xưa nữa.

Bây giờ hồi tưởng lại, phải chăng đã hết mình vì tất cả nên khi trên shinkansen ra sân bay để về nước thứ nhận lại là những giọt nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc khi nhận được những ấn tượng tốt, tấm chân tình của ban giám đốc, của các bạn sempai, kohai người Nhật và người Việt trong công ty; một bầu trời trải nghiệm nơi đất nước hiện đại bốn mùa đều xinh đẹp; những mối quan hệ tuyệt vời, lập cho mình được một mục tiêu, cảm được những thứ nếu cứ ở Việt Nam thì liệu khi nào tôi sẽ cảm được, …

Có bước đi mới vỡ lòng bao nhiêu thứ. Đứng ở hiện tại nhìn lại khó khăn không ít, đánh đổi rất nhiều nhưng những thứ nhận được thì vô giá. Chắc chắn nó sẽ còn giúp ích cho cuộc sống, sự nghiệp của tôi hiện tại và trong tương lai.
Một lần nữa cảm ơn thầy Lê Long Sơn đã bắc nhịp cầu Việt Nhật là Esuhai – Kaizen. Cảm ơn Hiệp hội và cảm ơn tất cả những gì thuộc về đất nước Nhật Bản xinh đẹp, cảm ơn vì tất cả!

Khi chúng ta quyết định theo đuổi đam mê của mình, không có gì đảm bảo ta sẽ tuyệt đối thành công cả. Nhưng nếu chúng ta không dám làm, chúng ta sẽ không có phần trăm nào cơ hội cả. Cứ can đảm và dấn thân bạn nhé, bởi bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, … mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường. Các bạn hãy tham khảo để sau đó xây dựng nên câu chuyện của riêng mình bạn nhé!

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới