[Tổng Giám đốc Lê Long Sơn trả lời phỏng vấn Porters Magazine] Đào tạo nhân lực chất lượng cao và Sáng tạo giá trị mới – Phần 1
06/12/2024
366
Trở thành Doanh nghiệp kết nối giao lưu giữa các Công ty Nhật Bản và nguồn nhân lực Việt Nam trong 100 năm tới
00:00
00:00
PHỎNG VẤN
Ông Lê Long Sơn – Founder – President & CEO ESUHAI Group
Công ty Esuhai, hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, phái cử, giới thiệu và hỗ trợ tiếp nhận nguồn nhân lực Việt Nam. Chương trình đào tạo dành riêng cho các Doanh nghiệp Nhật Bản do Esuhai tự thiết kế đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cách làm việc và ý thức lao động của người Việt Nam. Chúng tôi đã phỏng vấn CEO Lê Long Sơn về nội dung đào tạo độc quyền và tâm huyết trong các hoạt động kinh doanh của Công ty.
Mong muốn truyền đạt kỹ thuật sản xuất chế tạo tiên tiến của Nhật Bản đến người Việt Nam
Trước tiên, xin ông Lê Long Sơn chia sẻ về quá trình học tập và công tác của mình.
Tôi đã học tại Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP.HCM và tốt nghiệp vào năm 1994. Thời điểm đó, Việt Nam vừa bắt đầu tiếp nhận các Công ty nước ngoài, và hầu như không có các Doanh nghiệp liên quan đến Cơ khí chế tạo hay Cơ khí chính xác. Tôi mong muốn được làm việc trong lĩnh vực Chế tạo khuôn mẫu, nên vào năm 1995 tôi đã quyết định Du học tại Nhật Bản – Quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ Cơ khí và hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Nông nghiệp Công nghiệp Tokyo vào năm 2000.
Trong thời gian Du học, thông qua công việc làm thêm phiên dịch cho Thực tập sinh Việt Nam, tôi đã có cơ hội đến nhiều nhà máy vừa và nhỏ ở Nhật Bản. Tôi nhận thấy rằng, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, các Doanh nghiệp này đều sở hữu công nghệ xuất sắc và đây chính là môi trường sản xuất chế tạo mà tôi hằng mơ ước. Cho đến thời điểm đó, tôi từng nghĩ rằng với tấm bằng Đại học mình sẽ không bao giờ làm các công việc tay chân, nhưng trải nghiệm thực tế đã cho tôi nhận ra rằng công việc tôi thực sự muốn làm chính là ở tại các nhà máy sản xuất này. Điều này đồng nghĩa với việc,để học hỏi công nghệ sản xuất tại Nhật, các thanh niên trẻ không nhất thiết phải vượt qua các rào cản lớn về năng lực cá nhân và kinh tế như phải vào được đại học Nhật hay xin việc tại các công ty Nhật, mà hoàn toàn có thể hiện thực hóa ước mơ thông qua con đường Thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Xuất phát từ trải nghiệm này, tôi muốn tạo ra môi trường thuận lợi để những người có nguyện vọng học hỏi kỹ thuật có thể dễ dàng đến Nhật Bản. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ vào năm 2000, tôi không tiếp tục học lên Tiến sĩ mà chọnxin làm công việc tiếp nhận Thực tập sinh Việt Nam ngay tại Nghiệp đoàn nơi tôi đã từng làm phiên dịch trước đó.
Khi trực tiếp hỗ trợ các bạn Thực tập sinh, tôi nhận thấy rằng phần lớn người lao động Việt Nam đến Nhật Bản với mục tiêu tìm kiếm thu nhập chứ không phải học hỏi kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là một cơ hội tuyệt vời để vừa có thu nhập vừa học hỏi công nghệ cao, nên tôi cho rằng sẽ rất lãng phí nếu các bạn không biết tận dụng. Từ đó, tôi đã thành lập một công ty để hỗ trợ những người Việt Nam có ý chí cầu tiến và khát vọng vươn lên. Năm 2005, tôi trở về Việt Nam và đến năm 2006, tôi sáng lập Esuhai – Công ty chuyên đào tạo, phát triển nhân lực Việt Nam và phái cử sang Nhật Bản. Đến năm 2019, tôi thành lập Esuhai Japan và hoạt động đến ngày hôm nay.
Xin ông giới thiệu về nội dung hoạt động của quý công ty.
ESUHAI Group, phối hợp cùng Esuhai Japan, cung cấp các giải pháp như đào tạo, phát triển, phái cử, và giới thiệu nhân lực Việt Nam đến các Doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời hỗ trợ về quản lý nhân sự, pháp lý và tuân thủ.
Để trở thành Doanh nghiệp cung cấp giải pháp tuyển dụng bền vững cho các Doanh nghiệp Nhật Bản trong 100 năm tới, chúng tôi đã xây dựng một “Hệ sinh thái tuần hoàn nhân lực Nhật Việt” độc quyền. Bên cạnh các chương trình đào tạo dành cho Doanh nghiệp Nhật, chúng tôi còn triển khai đào tạo tại Việt Nam, giới thiệu và phái cử nhân sự theo lĩnh vực, đào tạo Kỹ sư, tư vấn tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhằm tăng số lượng nhân sự có thể hoạt động hiệu quả cả ở Nhật Bản và Việt Nam.
Chương trình "đào tạo đứng" độc quyền phù hợp với môi trường làm việc phải đứng nhiều ở Nhật Bản
Thời điểm ông khởi nghiệp, tại Việt Nam đã có nhiều tổ chức giáo dục tiếng Nhật hoặc đào tạo về công việc tại Nhật chưa?
Thời điểm đó đã có các cơ quan phái cử Thực tập sinh, nhưng gần như không có cơ quan đào tạo nào. Những người tham gia chương trình Thực tập kỹ năng thường chỉ chú trọng kiếm tiền, nên các tổ chức này cũng chỉ cần phái cử nhân sự thành công là đủ. Trong bối cảnh đó, nhân sự của chúng tôi được trang bị tiếng Nhật, kiến thức về cuộc sống và tác phong làm việc ở một mức độ cơ bản trước khi sang Nhật, nên dần thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hiện nay, có rất nhiều cơ quan giáo dục và đào tạo dành cho người lao động làm việc tại Nhật Bản đúng không thưa ông?
Có lẽ, Esuhai là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác Giáo dục - Đào tạo cho người lao động. Chẳng hạn, vào năm 2008, chúng tôi đã triển khai chương trình “Bào tạo đứng”, do chính Công ty thiết kế. Ở Nhật, nhiều công việc tại nhà máy hoặc trong ngành dịch vụ đòi hỏi phải làm việc trong tư thế đứng, trong khi đó, tại Việt Nam, người lao động không có thói quen vận động đôi chân trong công việc. Để giúp các bạn trẻ quen với công việc cần phải đứng lâu như vậy, chúng tôi tổ chức các giờ học trong tư thế đứng.
Chúng tôi cũng dạy cho các Học viên về dinh dưỡng, ăn uống như một phần trong khóa đào tạo. Ẩm thực Việt Nam vốn giàu rau xanh và tốt cho sức khỏe nên không cần tính toán nhiều vẫn có thể cho ra được những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng tốt, nhưng tại Nhật, rau xanh khá đắt nên không ít người Việt chỉ ăn thịt gà để tiết kiệm. Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn các bạn tầm quan trọng của việc duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng. Ngoài ra, chúng tôi dạy các em những kiến thức cần thiết cho cuộc sống tại Nhật từ những điều sơ đẳng nhất, chẳng hạn như cách quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý.
Điều này chắc chắn giúp ích rất nhiều cho các Doanh nghiệp Nhật Bản khi mà các Thực tập sinh được trang bị kiến thức cơ bản về cuộc sống tại Nhật trước khi bắt đầu công việc!
Đúng như vậy. Kể cả các doanh nghiệp Nhật cũng mong muốn và yêu cầu người lao động phải có được kiến thức cơ bản về đời sống. Trước đây, nhu cầu nhân lực chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật chuyên môn như Hàn, nhưng hiện nay, với sự Tự động hóa cao trong các nhà máy sản xuất, các Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng những lao động có tinh thần phục vụ, khả năng quan sát, và sự nhạy bén và am hiểu các quy tắc xã hội đặc trưng của Nhật Bản.
Mong muốn người lao động làm việc để học hỏi kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản, không chỉ vì tiền bạc
Hiện nay, Quý công ty đang tập trung phát triển lĩnh vực nào nhất thưa ông?
Chúng tôi không chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình mà đã và đang dành tâm huyết để phát triển môi trường lao động tại Việt Nam từ khi thành lập. Chữ “Esu” trong tên gọi Esuhai ý chỉ hình dạng chữ “S”, “Hai” có ý nghĩa là số 2. Sở dĩ có “S” là do hình dáng trên bản đồ của cả Việt Nam và Nhật Bản đều gần giống chữ “S” và “Hai” biểu hiện sự tương đồng, hợp nhất của 2 quốc gia Nhật - Việt. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu giúp thanh niên Việt Nam làm việc lâu dài và thoải mái cũng như tạo dựng sự nghiệp tại Nhật Bản nếu chỉ phát triển việc đào tạo hoặc việc phái cử nhân lực. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải triển khai tất cả những công việc cần thiết và tạo ra hiệu quả tương hỗ, cộng hưởng nhằm đạt được mục tiêu đó. Hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản tuy có diện tích và quy mô dân số tương tự nhau, nhưng cơ cấu dân số rất khác biệt. Nhật Bản là một xã hội già hóa và tỉ lệ sinh giảm, trong khi Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp với nhu cầu, và số lượng công việc giúp người lao động học hỏi được nền tảng kỹ thuật vững chắc còn rất ít. Đồng thời, mặc dù hiện tại có rất nhiều cơ quan phái cử người lao động sang nước ngoài nhưng trong số đó không có nhiều tổ chức đào tạo cho người lao động cách thích nghi với cuộc sống và yên tâm làm việc tại Nhật. Vì lẽ đó, Esuhai không ngừng hỗ trợ để xây dựng mối quan hệ "WIN - WIN" giữa người lao động và Doanh nghiệp tiếp nhận.
Điểm mạnh và thách thức của nhân lực Việt Nam là gì?
Thu nhập trung bình của người Việt Nam không cao và rất nhiều người luôn tìm kiếm công việc có mức lương tốt hơn. Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ hội việc làm không nhiều, và để làm việc ở nước ngoài, họ cần có kỹ năng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa của nước tiếp nhận. Nhiều người Việt Nam sử dụng tiếng Anh tốt nên có thể tìm việc tại khu vực Âu Mỹ, nhưng thị trường lao động phương Tây thường áp dụng chế độ tuyển dụng theo công việc (Job-based) nên họ sẽ bị sa thải khi không còn cần thiết. Nhật Bản lại áp dụng chế độ thành viên (Membership-based), doanh nghiệp sẽ đào tạo nhân viên nếu họ có động lực và khao khát vươn lên.
Tôi cho rằng phương thức hoạt động theo kiểu Membership-based này là một nét văn hóa rất tuyệt vời, vì vậy tôi luôn mong muốn truyền tải sự ưu việt của văn hóa – khoa học kỹ thuật Nhật Bản đến người Việt Nam để ngày càng có nhiều người biết đến giá trị này hơn nữa. Một hiện trạng nữa của Việt Nam là rất nhiều người Việt sống cả cuộc đời mà không bao giờ rời khỏi quê hương nơi họ sinh ra. Thật sự có quá nhiều người đã sống trọn một đời mà không bao giờ được chứng kiến vô số khung cảnh mà lẽ ra họ sẽ được tận mắt thấy nếu dám bước chân ra bên ngoài, đi đến một vùng đất khác, một quốc gia khác. Tôi luôn nỗ lực với sự nghiệp này đến ngày hôm nay chính là vì mong muốn mang đến cho những người như thế cơ hội được có được trải nghiệm sống phong phú, rộng mở.
Mặt khác, chênh lệch về mức thu nhập giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng rút ngắn, hiện tại không còn có chuyện “Cứ đi Nhật là sẽ kiếm được nhiều tiền” như thời tôi mới khởi nghiệp nữa. Số người Việt Nam sang nước ngoài với mục tiêu nâng cao kỹ năng, năng lực cũng ngày một tăng lên. Cục diện về mục tiêu lao động của người Việt đang dần chuyển dịch từ việc kiếm thu nhập đơn thuần sang việc học tập trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Tôi rất hy vọng rằng sẽ có nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc với mục đích nâng cao tầm hiểu biết về khoa học kỹ thuật và sự đa dạng văn hóa, chứ không chỉ vì tiền nữa.
So với thời kỳ mới khởi nghiệp của Quý công ty, hiện tại số lượng người muốn đi Nhật làm việc liệu có đang trên đà suy giảm không, giữa bối cảnh các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang có sự tăng trưởng rõ rệt về cả khoa học kỹ thuật và mức thu nhập?
Dựa trên số liệu, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật không hề giảm. Tôi tin rằng trong thời gian tới, nhu cầu vẫn sẽ ổn định. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển bền vững cùng các doanh nghiệp Nhật trong 100 năm tới và vẫn đang liên tục suy nghĩ chiến lược cho điều đó. Với lòng quyết tâm cho một sự nghiệp bền vững lâu dài, chúng tôi đã thay mới logo Công ty bằng cách thêm vào biểu tượng vô cực. Thật thú vị khi ký hiệu vô cực cũng đồng thời mang ý nghĩa sự gắn kết chặt chẽ của hai chữ “S” với nhau.
Sau cùng, xin ông nhắn gửi một thông điệp đến các doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc tiếp nhận nhân lực Việt Nam.
Phần lớn các bạn trẻ khi còn đi học chỉ tập trung nâng cao học vấn, nhưng khi đi làm họ phải đối mặt ngay với thực tế công việc. Ví dụ, khi yêu cầu một kỹ sư mới tốt nghiệp mang trà ra tiếp khách, sẽ không có gì lạ nếu họ nghĩ rằng "Tôi vào công ty với vai trò là kỹ sư, bưng trà rót nước không phải công việc của tôi!". Tôi tin rằng giai đoạn 10 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp cũng có thể ví như thời gian các bạn trẻ đi học "TRƯỜNG ĐỜI", ở đó việc đào tạo nuôi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cho người đi làm là vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian đến năm 30 tuổi để các thanh niên đạt đủ độ trưởng thành bước vào đời. Hy vọng quý doanh nghiệp hãy luôn tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho ESUHAI chúng tôi để đào tạo thanh niên trẻ phát triển trong giai đoạn “TRƯỜNG ĐỜI” vô cùng quan trọng này.
Phỏng vấn: Ken Mitsui
Ghi chép: Aya Rikitake
Chụp ảnh: Kohei Nishiyama