scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Bài viết về công ty Esuhai trên tạp chí Phát triển Quốc tế (IDJ - International Development Journal)
02/02/2012
2900

Chế độ cho vay đầu tư ưu đãi đầu tiên của JICA được mở lại cho dự án “Hỗ trợ trường đào tạo nguồn nhân lực sản xuất, cầu nối Nhật Việt”

Chuyển giao kỹ thuật thông qua mối quan hệ thầy - trò

Hướng tới thực hiện chiến lược tăng trưởng mới, sau quyết định mở lại dự án cho vay đầu tư ra nước ngoài tạm ngưng 10 năm kể từ đợt cải cách pháp nhân đặc biệt năm 2001, vào ngày 11 tháng 11 năm 2011, JICA đã ký hợp đồng cho vay đầu tư với ngân hàng Á Châu (ACB) Việt Nam cho dự án “Hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất Việt Nam”. Công ty được hỗ trợ cho vay đầu tư thông qua ngân hàng ACB trong dự án đầu tiên sau khi mở lại này là công ty ESUHAI. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với giám đốc Lê Long Sơn, người thành lập ra công ty ESUHAI với mong muốn thúc đẩy sự phát triển hai quốc gia bằng việc gắn kết Việt Nam và Nhật Bản, nhân tài và công ty.

Muốn truyền cho thế hệ sau tinh hoa của người thợ cả

Hiện nay mỗi năm có 2500~3500 thực tập sinh kỹ năng Việt Nam được phái cử sang Nhật để thực tập trong khoảng 2~3 năm tại các công ty vừa và nhỏ. ESUHAI, công ty được nhận hỗ trợ cho vay đầu tư trong dự án đầu tiên mà chúng tôi giới thiệu lần này tuyển chọn các ứng viên tham gia chế độ thực tập sinh kỹ năng nói trên, đồng thời đào tạo tiếng Nhật, tác phong làm việc... rồi phái cử sang Nhật.

Sau khi các thực tập sinh hoàn thành tu nghiệp trở về nước, công ty tiếp tục hỗ trợ để họ tìm được công việc phù hợp, vận dụng kỹ thuật đã học được ở Nhật Bản cống hiến cho xã hội. Có thể nói mô hình hoạt động của công ty vô cùng đặc biệt khi thông qua việc đào tạo nhân sự cho các công ty Nhật để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam. Dự án cho vay sẽ hỗ trợ vốn xây dựng trường học, di dời trụ sở phục vụ cho việc mở rộng quy mô tổ chức đào tạo nhân lực của Esuhai. Tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu yên.

Công ty ESUHAI với tên gọi mang ý nghĩa là “2 chữ S” (Esu=S, hai=2) bắt nguồn từ việc bản đồ hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đều mang hình chữ “S”, đã có chặng đường phát triển cho tới quy mô ngày nay là một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên như một bộ phim.

Giám đốc sáng lập công ty, ông Lê Long Sơn tốt nghiệp Khoa cơ khí Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh vào nửa cuối thập kỷ 80 - thời điểm nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản và các nước khác đột ngột tăng mạnh do chính sách đổi mới mở cửa kinh tế đối ngoại. Sau khi tốt nghiệp, ông sang Nhật với mong muốn được học về kỹ thuật khuôn mẫu đứng đầu thế giới của Nhật Bản và vào năm 1997 ông nhập học trường Tokyo Noko University. Dự định của ông khi nhập học là sau khi tốt nghiệp sẽ về Việt Nam làm trong công ty khuôn mẫu của anh trai để phụ giúp anh mình.

Ông cho biết “Lúc đó tôi chỉ biết rằng Nhật Bản là một nước công nghiệp phát triển và biết tên một số công ty hàng đầu như HONDA, SONY...”. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Nhật ông đã hiểu ra rằng chính các công ty vừa và nhỏ chiếm đa số với kỹ thuật tiên tiến về dập, mạ, đúc... mới là trụ cột giúp kinh tế Nhật phát triển và giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới của các sản phẩm mang thương hiệu của các công ty lớn. Phát hiện này đã tác động mạnh đến giám đốc Lê Long Sơn, đồng thời khi nhận ra “Lý thuyết học ở đại học không phải là tất cả đối với ngành sản xuất”, ông cũng cảm nhận được đây chính là gợi ý để Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp đến năm 2020.

Cùng thời điểm đó ông biết đến chế độ “Thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài” của Tổ chức hợp tác tu nghiệp quốc tế JITCO: “Tiếp nhận lao động trẻ của các nước đang phát triển trong một thời gian, đào tạo, nâng cao tay nghề để các thanh niên này thành nhân tài cống hiến cho ngành sản xuất nước nhà”. Trường hợp các du học sinh, khi sang Nhật du học như giám đốc Lê Long Sơn thông thường sẽ mất 2 năm học ở trường tiếng Nhật, 4 năm học đại học, các sinh viên ngành tự nhiên sẽ cần học thêm 2 năm cao học nữa để xin được việc làm ở Nhật. Tuy nhiên nếu sang Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ năng thì không cần học qua đại học mà có thể vào làm thẳng trong các công ty Nhật nên sớm tích lũy được kinh nghiệm. Giám đốc Lê Long Sơn hào hứng chia sẻ: “Đây là chế độ vô cùng hiệu quả vì đã đem đến cho nhiều người Việt Nam cơ hội tiếp thu kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản”. Ông nhớ lại ngày đó khi nói chuyện với những thực tập sinh Việt Nam sang Nhật theo chế độ này hay nói chuyện các công ty tiếp nhận thì “Trong đầu tôi nảy ra rất nhiều ý tưởng cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc”.

Điều trước tiên ông nghĩ đến là việc kết hợp thực tập sinh và công ty tiếp nhận sao cho phù hợp: “Phải hiểu rõ chiến lược kinh doanh, triển vọng phát triển trong tương lai, yêu cầu về nhân sự của công ty tiếp nhận để thông báo cho các thực tập sinh trước khi họ sang Nhật, từ đó nâng cao tinh thần tự giác và ý thức của thực tập sinh. Đồng thời nếu giáo dục một cách thích hợp để thực tập sinh có thể đáp ứng được mong đợi của công ty thì việc thực tập sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Ngoài ra nếu đi với mục đích chỉ là để sang được Nhật Bản thì thực tập sinh không tận dụng được cơ hội thực tập mà chỉ sống cho qua ngày, sau khi về nước làm công việc không liên quan đến những gì đã học được ở Nhật. Để việc này không xảy ra, giám đốc Lê Long Sơn đã nghĩ rằng cần phải “Tìm hiểu kỹ nguyện vọng và mục tiêu trong tương lai của các em trước khi sang Nhật từ giai đoạn tuyển chọn ứng viên. Sau khi các em về nước cũng giúp đỡ để các em làm công việc mà có thể vận dụng những kinh nghiệm đã học được ở Nhật.”

Cứ như thế trong ông bắt đầu hình thành suy nghĩ: “Muốn biến những ý tưởng của mình trở thành hiện thực để cống hiến được cho sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà”. Sau khi lấy bằng thạc sĩ vào năm 2000 ông bắt đầu hỗ trợ các tu nghiệp sinh, thực tập sinh đang thực tập tại Nhật cũng như công ty tiếp nhận theo cách riêng của mình như đến thăm, lắng nghe yêu cầu và nguyện vọng của họ.


Sau khi tốt nghiệp khoa Cơ khí đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, năm 1995 ông sang Nhật, năm 1997 nhập học trường Tokyo Noko University. Đến năm 2000 thì tốt nghiệp thạc sĩ. Năm 2003 ông đảm nhận chức vụ cố vấn cho Tổ chức phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trực thuộc Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản. Năm 2005 thành lập công ty ANVINA ở TP.Hồ Chí Minh (đổi tên thành ESUHAI trong năm sau đó) hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy Nhật ngữ, đào tạo nhân lực, phái cử thực tập sinh, giới thiệu nhân sự cho các công ty Nhật Bản

Giám đốc công ty Esuhai Ông Lê Long Sơn

LUÂN CHUYỂN NHÂN TÀI

CỐNG HIẾN CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HAI QUỐC GIA

Mục tiêu của công ty Esuhai là cống hiến cho sự phát triển đất nước Việt Nam - điểm đến đầu tư của hơn 1000 công ty Nhật và đào tạo nhân tài góp phần thúc đẩy sự phát triển của các công ty Nhật Bản. Từ năm 1995 khi lần đầu tiên đặt chân đến Nhật cho đến hôm nay, tôi luôn tâm niệm rằng “Tương lai mà Việt Nam cần vươn tới chính là nước Nhật này”. Vì thế tôi suy nghĩ chế độ “Thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài” chính là công cụ quan trọng đưa kỹ thuật, bộ máy tổ chức, nền giáo dục, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vận tải mà Nhật đang có đến với Việt Nam. Từ đó tôi tập trung vào sự nghiệp đào tạo với mong muốn ứng dụng chế độ này hiệu quả hơn nữa.

Tuy nhiên nước Nhật ngày nay đang đối mặt với tình hình dân số già, tỉ lệ sinh ít, số người học và làm việc trong ngành tự nhiên giảm, ngành công nghiệp chế tạo bị coi là một trong “3 ngành khó khăn”, thiếu hụt nhân tài kế thừa kỹ thuật và tổ chức hiện tại. Đây thật ra lại là cơ hội cho Việt Nam với dân số lao động dồi dào và rất nhiều thanh niên mong muốn trở thành kỹ sư trong tương lai. Tại Việt Nam vẫn có nhu cầu cao với cả những công việc ở Nhật mọi người không muốn làm.

(Ảnh: Tham dự lễ ký kết có sự góp mặt của ông Đỗ Minh Toàn phó tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) (đứng chính giữa), ông Lê Long Sơn giám đốc công ty ESUHAI (bìa phải)

Tôi đã từng nói chuyện với nhiều giám đốc của các công ty vừa và nhỏ và  bất ngờ vì họ hiểu rất rõ nguyện vọng muốn cố gắng để có một cuộc sống tốt hơn của các thanh niên Việt Nam. Có thể nói những người Nhật ở độ tuổi 60~70 đã trải qua thời kỳ chấn hưng kinh tế sau đại chiến thế giới thứ hai và những người Việt Nam ở độ tuổi 30~40 đã trải qua thời kỳ thiếu thốn thực phẩm, Việt Nam bị tàn phá sau chiến tranh cùng là thế hệ “hậu chiến” nên có nhiều trải nghiệm giống nhau.

Những năm gần đây dù các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam nhưng kỳ vọng vào các công ty Nhật vẫn lớn hơn nhiều. Công ty Esuhai sẽ tiếp tục nỗ lực trên con đường đào tạo nhân tài kết nối hai quốc gia. Bằng việc cung cấp nhân sự ưu tú Việt Nam cho các công ty Nhật Bản đặc biệt là trường hợp các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản tận dụng được tiềm năng của các nhân tài này rồi tiến đến đầu tư sang Việt Nam, nhờ thế mà xã hội Việt Nam có thể tiếp thụ được những kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật ưu việt của Nhật Bản, tôi muốn mở rộng mô hình “Luân chuyển nhân tài” này để góp phần cống hiến cho sự phát triển của cả hai quốc gia.

Chủ động tìm đến thuyết phục để có được khách hàng đầu tiên

Cứ như thế các hoạt động hỗ trợ này của ông Lê Long Sơn bắt đầu được đánh giá cao, từ tháng 4 năm 2003 ông đảm nhận chức vụ cố vấn cho Tổ chức phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trực thuộc Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản. Từ đó ông bắt đầu tập trung hơn nữa vào việc kết nối thực tập sinh và công ty tiếp nhận. Tuy nhiên thực tế không thuận lợi như mong muốn, đặc biệt hầu hết các công ty vừa và nhỏ khi vừa nghe đến “người Việt Nam” là đã ngần ngại. Trước những khó khăn đó ông Lê Long Sơn đã nảy ra ý tưởng “Nếu là các công ty đang đăng tin tuyển dụng thì sẽ dễ thuyết phục để họ nhận thực tập sinh hơn” và bắt đầu tìm đến các Phòng giới thiệu việc làm ở địa phương. Có được danh sách các công ty đang tuyển nhân viên ông đã gọi điện cho từng công ty một, đó là lúc ông gặp được công ty Okutomi Seisakusho - thành phố Tama thủ đô Tokyo.

Công ty Okutomi Seisakusho là một công ty nhỏ đặt nhà máy ở thành phố, gồm giám đốc, vợ và vài nhân viên làm bán thời gian, trong suốt hơn 30 năm kể từ ngày thành lập, công ty miệt mài sản xuất ra những linh kiện bán dẫn. Mặc dù đăng tin tuyển nhân viên từ 5 năm trước nhưng hầu như không có ứng viên nào đến ứng tuyển, hoặc thỉnh thoảng có vài nhân viên trẻ đến nhưng họ cũng chỉ làm trong thời gian ngắn làm giám đốc vô cùng trăn trở về vấn đề nhân sự. Khi nghe giám đốc nói “Tôi không đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm, chỉ cần có mong muốn làm việc thì tôi sẽ dạy cho”, ông Lê Long Sơn đã nói “Chính những công việc, ngành nghề kỹ thuật người Nhật không thích làm vì cho là vất vả, bẩn thỉu lại là cái người Việt Nam muốn học” và bày tỏ mong muốn giám đốc nhận thực tập sinh Việt Nam. Nghe thế giám đốc Okutomi dù bất ngờ nhưng cũng đã đồng ý tiếp nhận thử một thực tập sinh ngay lúc đó.

Kết quả là thực tập sinh được phái cử sang đã làm việc nhiệt tình hơn cả dự đoán của giám đốc Okutomi và ông Lê Long Sơn. Vào cuối tuần anh cũng tự mình đến nhà máy làm việc với mong muốn được “giám đốc cho học về cấu tạo máy và kỹ thuật gia công”. Giám đốc đã rất vui khi nhận ra sự cố gắng ham học hỏi của anh và chỉ dạy tận tình bằng cách cùng anh tháo dỡ rồi lại lắp ráp các linh kiện máy tiện trong xưởng v.v... Sau thực tập sinh đầu tiên, công ty Okutomi Seisakusho còn tiếp nhận thêm mỗi lần 1 người, tổng cộng 4 thực tập sinh Việt Nam nữa.

Cứ như vậy giữa công ty Okutomi Seisakusho với Việt Nam đã có mối gắn bó sâu nặng không ngờ tới. Đúng lúc đó công ty lại chịu áp lực giảm giá thành, giám đốc phải suy nghĩ về đường hướng kinh doanh trước mắt nên công ty đã quyết tâm vượt ra ngoài thị trường quốc nội ngày càng bị thu hẹp để đầu tư sang nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Cứ mỗi lần có một thực tập sinh về Việt Nam, công ty lại tiến thêm một bước trong việc chuẩn bị đầu tư như mua đất ở ngoại thành TP.Hồ Chí Minh, xây nhà xưởng, gửi máy móc từ Nhật sang... Đến năm 2007, công ty O.N.Precision Co.,LTD đã được thành lập dưới hình thức liên doanh Nhật-Việt và phát triển lên quy mô 30 nhân viên với hơn 50 máy làm việc suốt 24/24 giờ. O.N.Precision là công ty có kỹ thuật hiện đại duy nhất sản suất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam nên nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn từ nhà máy tại Việt Nam của các công ty Singapore hay Thái Lan.

Đào tạo nhân lực dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản

Như trường hợp công ty Okutomi Seisakusho, ông Lê Long Sơn xây dựng mạng lưới liên kết với các công ty Nhật Bản bằng sự quan tâm tỉ mỉ đến từng công ty. Để dồn lực tập trung vào đào tạo nhân lực trước phái cử, vào năm 2005 ông thành lập công ty ANVINA, tiền thân của công ty ESUHAI tại TP. Hồ Chí Minh. Năm sau đó công ty chuyển tên thành ESUHAI và xây dựng trường đào tạo tiếng Nhật với mục đích nâng cao chất lượng thực tập sinh kỹ năng, đồng thời nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng mà ông cảm thấy cần phải giải quyết lúc đương thời.

Trường đào tạo trước phái cử thuộc công ty ông khác với phần lớn các trường tiếng Nhật khác ở điểm cơ bản là các trường khác chỉ dạy tiếng Nhật mà mặc nhiên không hề đề cập đến “Vì sao cần phải học tiếng Nhật”.


Các thực tập sinh kỹ năng nhiệt tình học tiếng trước khi sang Nhật

Trường nhật ngữ KAIZEN (Tên thường gọi Trường KAIZEN YOSHIDA SCHOOL) được đặt tên theo ý tưởng từ “Vận động cải tiến” áp dụng trong tất cả các ngành nghề sản xuất chế tạo Nhật Bản. Bên cạnh tiếng Nhật, trường chú trọng đào tạo nhiều mảng kiến thức như văn hóa Nhật Bản, hệ thống luật pháp liên quan, tác phong làm việc Nhật Bản như làm việc nhóm nhằm đào tạo nhân lực phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản. Với mục tiêu đào tạo “nhân tài” có kỹ thuật và ý chí, tinh thần làm việc cao để vào làm việc tại các công ty tại Nhật Bản, tại Việt Nam hay khởi nghiệp thành lập công ty. Thông qua đó, với chủ đề đặt ra “Người Việt Nam 5 năm nữa, 10 năm nữa muốn trở thành người như thế nào?” mỗi kỹ sư sẽ trăn trở, rèn luyện bản thân và phát huy được tối đa năng lực, khả năng. Với suy nghĩ này ông Lê Long Sơn nhiều lần hướng dẫn, chỉnh sửa, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đang theo học tại trường.

Đúng theo định hướng của ông, chẳng bao lâu chất lượng học sinh của trường được đánh giá cao và nhận được sự tin tưởng to lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Vào năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO, doanh nghiệp tư nhân bắt đầu nhận được Giấy phép phái cử lao động ra nước ngoài, giấy phép trước đó vốn chỉ được cấp cho doanh nghiệp nhà nước và từ năm 2010, ESUHAI bắt đầu nghiệp vụ phái cử thực tập sinh kỹ năng nước ngoài. Hiện tại có khoảng 700 học sinh của trường Nhật ngữ KAIZEN đang thực tập tại các công ty Nhật Bản.

Kỳ vọng vào sự tăng tốc làn sóng đầu tư của các công ty vừa và nhỏ

Những năm gần đây, cùng với sự thu hẹp dân số trong nước, liên tiếp có nhiều công ty Nhật Bản tìm đến thị trường nước ngoài. Trong đó, Đông Nam Á có thị trường tiềm năng với dân số tăng trưởng mạnh mẽ liên tục cùng với chi phí nhân công rẻ đang thu hút được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, khi bắt tay vào đầu tư thì các công ty gặp phải nhiều khó khăn như những cách suy nghĩ được cho là đương nhiên ở Nhật Bản hay những thường thức trong ngành sản xuất, chế tạo không được thông dụng tại nước bản xứ, nhân viên được công ty đào tạo dễ nghỉ việc ngay... Đặc biệt đối với các công ty vừa và nhỏ thì nguồn vốn, nhân sự, mạng lưới quan hệ, ngôn ngữ...tại nước bản xứ là vô cùng thiếu thốn nên hiện trạng các công ty vẫn không có động lực để đầu tư.

Chính vì thế, ông Lê Long Sơn, người hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư sang Việt Nam, tiêu biểu là công ty Okutomi Seisakusho, tin tưởng rằng “Sự nuôi dưỡng mối quan hệ, sự tin tưởng với nhân viên bản xứ chính là lá bài quyết định thúc đẩy sự đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản”. Ở ý nghĩa này, chương trình thực tập kỹ năng đã mang đến cơ hội gặp gỡ, cùng sống như gia đình giữa giám đốc các công ty vừa và nhỏ Nhật Bản (nơi quy tụ những kỹ thuật tiên tiến, tinh xảo)với nhân viên người Việt Nam đểtrao đổi, chia sẻ những suy nghĩ về công việc cũng như cuộc sống. Đây là ý nghĩa vô cùng to lớn của chương trình thực tập sinh kỹ năng.

Hơn nữa, nhằm thu hút sự quan tâm của các công ty về tiếp nhận Thực tập sinh kỹ năng, đầu tư vào Việt Nam, công ty ESUHAI vào năm 2008 đã mở lớp kỹ sư với giáo trình đặc biệt trong trường Nhật ngữ KAIZEN đào tạo kỹ sư cao cấp cho các vị trí nhân viên lãnh đạo, nhân lực chủ chốt tại công ty bản xứ có khả năng đào tạo, dẫn dắt nhân viên cấp dưới. Thông qua giới thiệu của ESUHAI, những kỹ sư này sẽ đến công ty Nhật Bản làm việc với tư cách lưu trú kỹ sư.


Giám đốc Lê Long Sơn (chính giữa ảnh) họp với các giáo viên

Giống như vậy, bên cạnh việc đào tạo thực tập sinh các kỹ năng cần thiết hỗ trợ trong công việc tại công ty ở Nhật Bản, sau khi về nước trường nhật ngữ KAIZEN còn mở khóa học nâng cao kỹ năng từ 3 đến 6 tháng hay độc lập vận hành hệ thống dữ liệu nhân sự đã qua đào tạo để có thể trở thành nhân viên lãnh đạo. Hiện tại công ty đã nhận được ủy thác đào tạo nhân sự lãnh đạo cho các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. “Nhờ vào bánh răng giáo dục, đào tạo, bánh răng lớn nhất trong hệ thống của công ty vận hành trôi chảy mà các bánh răng khác cũng được chuyển động nhịp nhàng theo”, điều này trong tương lai sẽ tạo nên động lực lớn đối với xã hội của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời công ty cũng đang cố gắng để có thể đưa ra giải pháp tổng hợp lấy nhân sự làm trọng tâm.

Trong bối cảnh Việt Nam với vấn đề cao độ hóa, tập trung nền công nghiệp phụ trợ đang cấp bách và Nhật Bản với nhân lực thành thục hiểu rõ tinh thần của ngành sản xuất chế tạo, việc đào tạo kỹ sư thực hành sẽ đẩy mạnh đầu tư của ngành công nghiệp phụ trợ Nhật Bản vào Việt Nam, nâng cao kỹ thuật cho ngành sản xuất địa phương. Hy vọng rằng kỹ thuật tinh xảo của Nhật Bản, với hiện trạng dân số già hay giới trẻ rời bỏ ngành công nghiệp sản xuất chế tạo sẽ được kế truyền vượt qua ngoài lãnh thổ quốc gia đồng thời thổi một luồng gió mới vào xã hội vốn khép kín của Nhật Bản trên mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Nguồn: Tạp chí Phát triển Quốc tế (IDJ - International Development Journal)

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới