scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Bản tin Pháp lý tháng 06.2012
01/07/2012
801

GIÁ CẢ - TIÊU DÙNG - ĐỜI SỐNG

1 - ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT GIÁ NĂM 2012

Sau một thời gian dài trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất chung, ngày 20/6/2012 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giá 2012.

Điểm nổi bật trong Luật này tập trung vào các quy định về danh mục hàng bình ổn giá (11 mặt hàng) và danh mục hàng hóa do Nhà nước (NN) định giá, trong đó phải kể đến mặt hàng điện và xăng, dầu thành phẩm. Theo đó, mặt hàng điện vừa thuộc danh mục hàng bình ổn giá, đồng thời Nhà nước chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với: giá phát điện, giá bán buôn điện, mức giá bán điện lẻ bình quân. Như vậy, các DN được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho DN song NN vẫn kiểm soát được giá điện.

Nếu trước đây Pháp lệnh Giá 2002 chỉ quy định tài sản của NN phải thẩm định giá thì đến Luật Giá 2012 đã mở rông thêm việc thẩm định giá cho cả tài sản của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Ngoài ra, đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng tài sản NN hiệu quả hơn, Luật này kịp bổ sung thêm loại hình tổ chức thẩm định giá của NN, chỉ được thực hiện với các tài sản của NN cho thuê, đi thuê, mua, bán, thanh lý; không thuê được DN thẩm định giá; mua bán tài sản thuộc bí mật NN… Còn với DN thẩm định giá, để là người đại diện theo pháp luật thì phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm hành nghề thẩm định giá.

Luật này có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2013.

2 - TIẾP TỤC TĂNG THUẾ NHẬP KHẨU XĂNG

Sau đợt tăng ngày 22/6/2012, thuế nhập khẩu xăng lại có sự điều chỉnh theo Thông tư 109/2012/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 03/7/2012, hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Cụ thể, tăng thuế nhập khẩu thêm 2% đối với các mặt hàng xăng như: Ron 92 trở lên có và không pha chì, Ron 90 trở lên có và không pha chì, xăng máy bay, nhiên liệu cho động cơ máy bay, dầu nhiên liệu… (nhóm này tăng từ 10% lên 12%); nhiên liệu Diesel cho ô tô, nhiên liệu Diesel khác tăng từ 8% lên 10%.

Đối với các mặt hàng xăng còn lại thuộc nhóm 2710 tại biểu thuế nhập khẩu, vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu như trước đây. Danh mục cụ thể về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 được ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 103/2012/TT-BTC ngày 22/6/2012 của Bộ Tài chính.

3 - GIÁ NƯỚC SẠCH TĂNG LÊN GẤP RƯỠI...

So với quy định hiện hành (tại Thông tư số 100/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009), kể từ ngày 11/7/2012, khung giá nước sạch sẽ có biến động khá lớn.

Theo đó, nước sạch ở đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 sẽ có giá tối đa là 18.000 đồng/m3 và tối thiểu là 3.500 đồng/m3 (khung giá hiện hành giá tối đa là 12.000 đồng/m3, và giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3). Đây là quy định mới tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 28/5/2012 về khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt.

Ngoài  ra, Bộ Tài chính cũng quy định giá nước sạch tối đa ở đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 sẽ là 15.000 đồng/m3, thay vì 10.000 đồng/m3 như trước. Giá tối thiểu ở khu vực này cũng sẽ tăng lên thành 3.000 đồng/m3, tức tăng thêm 1.000 đồng/m3. Ở khu vực nông thôn, khung giá nước sạch sinh hoạt mới sẽ dao động ở ngưỡng 2.000 - 11.000 đồng/m3, thay vì 1.000 - 8.000 đồng/m3 như trước đây.

Các mức giá nêu trên đều đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

4 - TĂNG GIÁ ĐIỆN BÌNH QUÂN LÊN 1.369 ĐỒNG/KWH

Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BCTquy định về giá bán điện mới và hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, từ 01/7/2012, giá điện bình quân chưa bao gồm VAT sẽ tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh, tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng. Giá điện sinh hoạt bậc thang cũng sẽ tăng từ 42 - 132 đồng/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng mức giá bán điện sinh hoạt, bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh như trước đây.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện phục vụ cho các mục đích khác nhau cũng có biên độ tăng khác nhau. Cụ thể, giá bán lẻ điện cho sản xuất (cấp điện áp dưới 6kV đến 110kV trở lên) tăng thấp nhất 35 đồng/kWh, tăng cao nhất 121 đồng/kWh tùy theo cấp điện áp và tùy giờ cao điểm hay thấp điểm. Giá bán lẻ điện cho các đối tượng hành chính, sự nghiệp thì tăng dao động từ 68 – 75 đồng/kWh, giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng trong khoảng từ 66 – 170 đồng/kWh và giá bán lẻ điện cho bơm nước tưới tiêu tăng từ 42 – 82 đồng/kWh. Sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 và thay thế Thông tư số 42/2011/TT-BCT  ngày 19/12/2011 của Bộ Công thương.

5 - CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ GIÁ ĐIỆN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền mua điện từ các doanh nghiệp sản xuất, vận hành kinh doanh bán điện từ các dự án điện gió là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ giá điện.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư 96/2012/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới do Bộ Tài chính ban hành ngày 08/6/2012.<

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới