scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản hồi sinh điện hạt nhân
10/11/2014
908
Nhật Bản đang tiến gần hơn đến việc phục hồi một phần ngành công nghiệp điện hạt nhân vào thứ 6 tuần trước (7-11), khi chính quyền khu vực cho phép khởi động lại 2 lò phản ứng tại 1 nhà máy đã ngưng hoạt động kể từ thảm họa Fukushima cách nay hơn 3 năm.

Nhà máy này là một trong số hàng chục nhà máy phải ngưng hoạt động vì thảm họa Fukushima. Quyết định của cơ quan chức năng ở tỉnh Kagoshima, trên đảo Kyushu ở phía Nam, được đánh giá là bước đi quan trọng dọn đường cho việc khởi động lại các lò phản ứng, vốn được Cơ quan Quản lý Hạt nhân mới của Nhật Bản xác nhận an toàn hồi tháng 9, nhưng vẫn chờ các chính trị gia phê chuẩn.

48 lò phản ứng vẫn còn khả năng hoạt động của Nhật Bản đã trở thành đề tài tranh luận về an toàn kể từ khi thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân cùng ụp xuống nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng 3-2011.

2 lò phản ứng ở Kagoshima, tại Nhà máy điện hạt nhân Sendai, sẽ là những lò đầu tiên được hoạt động trở lại theo tiêu chuẩn an toàn được thông qua vào năm ngoái. Sự khởi động lại của Sendai sẽ dọn đường cho những nhà máy khác trên khắp đất nước.

Các công ty điện lực đang “chạy” chứng nhận an toàn cho 20 lò phản ứng tại 13 nhà máy, chưa bằng một nửa số hoạt động trước thảm họa Fukushima. Những lò phản ứng khác được cho là quá cũ, hoặc quá gần với khu vực thảm họa ở phía Đông Bắc của đất nước. Cho tới nay hàng chục ngàn cư dân Fukushima vẫn không thể trở về nhà.

Các cuộc tranh luận hạt nhân đã thu hút chú ý vì vẫn chưa biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc đưa ra quyết định có khởi động lại các lò phản ứng hay không. Chính điều này đã khiến việc khởi động lại các lò chậm trễ hơn dự kiến.

Sau khi các cơ quan quản lý xác nhận độ an toàn của các lò phản ứng Sendai, nhiều nhà phân tích dự báo chúng sẽ hoạt động lại trong vòng 1 tháng, nhưng nay lại dự kiến vào đầu năm tới. Ở Kagoshima, các chính trị gia đa số đều “thông cảm” với ngành công nghiệp hạt nhân, tương tự các nhà lãnh đạo trong nhiều khu vực khác có nhà máy hạt nhân. Những khu vực này thường tương đối nghèo và phụ thuộc vào việc làm và trợ cấp từ các nhà máy.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng công khai ủng hộ hạt nhân. Tuy nhiên, do công chúng vẫn lo lắng về sự an toàn, các cấp lãnh đạo đã tìm cách “đẩy” quyết định cuối cùng cho người khác. Luật pháp Nhật Bản không cho phép bất kỳ một cơ quan dân cử nào kiểm soát hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân, vốn được điều hành bởi các công ty tư nhân. Quốc hội chỉ trích chính phủ của ông Abe đã đùn đẩy trách nhiệm.

Các đại biểu cho rằng chính phủ cần là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng chứ không nên đùn đẩy cho các cấp chính quyền địa phương, vì họ thiếu chuyên môn và nguồn lực để xác minh sự an toàn của các nhà máy.


Nhà máy điện hạt nhân Sendai

Việc khởi động lại ở nhà máy Sendai vẫn có thể bị trì hoãn thêm vì các đơn kiện. Cho đến nay, đã có hàng chục đơn kiện chống lại những công ty điện lực về kế hoạch khởi động lại các lò phản ứng. Dù hầu hết vụ kiện phần thắng nghiêng về phía các công ty điện lực, nhưng cũng có những trường hợp phía nguyên đơn thắng.

Các đơn kiện được gửi lên từ các nhà vận động chống hạt nhân cũng như các chính quyền địa phương ở những khu vực gần nhà máy. Cho đến nay, tâm lý phản đối nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản vẫn còn chiếm đa số.

Theo báo Đầu Tư Tài Chính

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này