scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm virus Ebola
04/11/2014
778
Trong thông báo phát đi chiều nay (3/11), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, một nhóm gồm 7 nghiên cứu viên xét nghiệm của Việt Nam đã được đào tạo chuyên sâu về xét nghiệm virus Ebola trong nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với JICA và các đối tác quốc tế để chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản virus Ebola thâm nhập vào Việt Nam.

Các học viên tham gia khóa đào tạo xét nghiệm Ebola

Theo JICA, khóa học này kéo dài một tuần bao gồm xét nghiệm đơn giản một mẫu bệnh phẩm nhiễm Virus Ebola; xử lý, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm Ebola và điều quan trọng nhất là cách tự bảo vệ mình khi xử lý các bệnh phẩm.

Khóa học này là kết quả của sự hợp tác lâu dài giữa JICA, Viện các Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, Đại học Nagasaki và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Trong khuôn khổ hợp tác giữa JICA và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các phòng xét nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 3 đã được xây dựng - nơi việc xét nghiệm và chẩn đoán mẫu bệnh phẩm virus Ebola được thực hiện một cách an toàn. 

 

JICA cho biết: Phòng xét nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 3 hay còn gọi là phòng xét nghiệm ngăn chặn được thiết kế đặc biệt để xử lý những tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Phòng xét nghiệm có một số đặc thù như kiểm soát tiếp cận, kiểm soát dòng khí, sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân đặc biệt và các tủ an toàn sinh học. Ngoài ra, Viện Y học Nhiệt đới, Đại học Nagasaki (NEKKEN) cũng đã tổ chức khóa đào tạo xét nghiệm Virus Ebola tại Nhật Bản và mời hai nghiên cứu viên của Việt Nam tham dự. 


"Khi Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị chúng tôi tạo điều kiện triển khai xét nghiệm bệnh Ebola ở Việt Nam, chúng tôi  hưởng ứng ngay và rất vinh hạnh góp phần cải thiện năng lực xét nghiệm tại Việt Nam”, bác sỹ Masashi Tatsumi -Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam nói.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực hiện tăng cường năng lực xét nghiệm đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khuôn khổ Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương về các bệnh truyền nhiễm mới nổi hay còn gọi là APSED (2010). Việc tăng cường năng lực xét nghiệm chứng tỏ sự đầu tư giá trị khi phát triển năng lực đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới như bệnh Ebola 


“Năng lực chẩn đoán xét nghiệm là chìa khóa trong việc giám sát và ứng phó với các bệnh mới nổi. Các nghiên cứu viên xét nghiệm cần được đào tạo tốt và có môi trường tốt để làm việc an toàn. Công việc của họ vô cùng quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới có mạng lưới đối tác lớn mạnh gồm cả JICA và những nỗ lực chung này cho thấy cam kết mạnh mẽ để ứng phó tại khu vực đối với nguy cơ Ebola trên toàn cầu”, ông Jeffery Kobza, đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu. 


Cùng với nỗ lực phát triển năng lực chẩn đoán xét nghiệm virus Ebola, JICA cũng đánh giá cao phản ứng của Chính phủ Việt Nam khi gần đây đã tham gia vào diễn tập mô phỏng có Ebola do Văn phòng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WHO tổ chức. Ngoài ra Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các cuộc họp đánh giá nguy cơ thường kỳ cũng như theo dõi liên tục tình hình thế giới tại Trung tâm Vận hành Cấp cứu, qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chuẩn bị và ứng phó với trường hợp Ebola có thể xảy ra tại Việt Nam. 



Là người trực tiếp tham gia khóa học, chị Lê Thị Thanh, hiện đang làm việc tại Khoa Virus thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) cho biết khóa học rất hữu ích, toàn diện và giảng viên rất giàu kiến thức. Cùng với chị Thanh còn có một nghiên cứu viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và các nghiên cứu viên khác của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh tham gia khóa học tại Hà Nội…

 

    Theo Báo Công Thương

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này