scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
“Làn gió mới” từ các nhà đầu tư Nhật Bản
07/12/2014
855
Nhiều đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong rất nhiều lĩnh vực đã và đang đến tham quan, tìm hiểu về các hoạt động đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Đó là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Một lớp học tiếng Nhật Bản và kỹ năng làm việc tại Công ty Esuhai cho các lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Những tín hiệu lạc quan

Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh, các DN trên địa bàn đã đón rất nhiều đoàn từ Nhật Bản như lãnh đạo Cục Kinh tế Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai, Bộ trưởng Nông lâm ngư, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường... đến để tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 668 dự án của các DN Nhật Bản đang đầu tư với tổng số vốn lên đến 25 tỷ USD. Theo nhận định của các sở, ngành, với đà này, con số về tổng vốn đầu tư cũng như số lượng DN đến từ Nhật Bản sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản cho thấy, môi trường đầu tư tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, được hầu hết các DN Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Đối với các hoạt động thực hiện đầu tư, đại diện các DN Nhật Bản cũng khẳng định, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thời gian tới, các DN Nhật Bản sẽ tìm hiểu và thực hiện đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ từ xu hướng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tại đợt tìm hiểu tại thị trường TP Hồ Chí Minh mới đây, đại diện chính quyền tỉnh Saitama (Nhật Bản) cũng cung cấp một số lĩnh vực hai bên có thể hợp tác như: sản xuất mỹ phẩm, rau sạch và công nghệ điện tử. Đây cũng là những ngành mà thị trường lao động dồi dào của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các thị trường khác.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phía các DN Nhật Bản tham gia đầu tư, ngoài những điều kiện, cơ sở vật chất đã có, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza) cũng đã bố trí quỹ đất 300 ha tại KCX Linh Trung 1 và KCN Hiệp Phước; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đến tìm hiểu đầu tư.

Tận dụng các cơ hội

Theo đại diện của Hepza, việc các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường TP Hồ Chí Minh rõ ràng là một tín hiệu tốt đối với các DN trong nước trên địa bàn. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư được cải thiện, tạo cơ hội hợp tác làm ăn với một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay. Hợp tác với các DN Nhật Bản, các DN trên địa bàn sẽ tiếp cận được với công nghệ hiện đại để tiến tới việc làm chủ công nghệ trong tương lai.

Điều này được phần nào khẳng định trong hội nghị “Kết nối các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tỉnh Ehime – Nhật Bản” do Công ty TNHH Esuhai tổ chức theo ủy thác của Thống đốc tỉnh Ehime với sự tham gia của khoảng 150 DN hai nước. Ehime là tỉnh có đến 28.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Trong dịp này, các DN tỉnh Ehime đã giới thiệu với các DN Việt Nam về sản phẩm, kỹ thuật công nghệ ngành công nghiệp phụ trợ và mong muốn được hợp tác với các cơ quan, trường đại học chuyên ngành và DN Việt Nam để tìm hiểu về chính sách phát triển tại các địa phương, giới thiệu kỹ thuật và thiết bị, đồng thời mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài tại TP Hồ Chí Minh. Cũng trong dịp này, hội DN tỉnh Ehime và Hepza đã ký kết những nội dung quan trọng trong việc chia sẻ thông tin trong lĩnh vực có thể hợp tác, thúc đẩy giao lưu liên tục và hiệu quả thông qua trao đổi thông tin và giao lưu kinh tế.

Đại diện Công ty TNHH Esuhai, đơn vị đầu mối nhiều năm nay về kết nối DN Việt Nam – Nhật Bản cho biết, họ sẽ là đơn vị tư vấn, hỗ trợ hai bên tìm hiểu và có những hiểu biết kỹ lưỡng về nhau để việc hợp tác thành công.

Trước những cơ hội khi hàng loạt DN Nhật Bản xem TP Hồ Chí Minh là thị trường đầu tư nhiều hứa hẹn, các DN trong nước đóng tại thành phố cần xem đây là một cơ hội để hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chúng ta cần chủ động chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để hợp tác và phát triển trong những lĩnh vực còn khá non trẻ của mình.

Minh chứng rõ nhất cho làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản đang “đổ bộ” vào TP Hồ Chí Minh có thể kể đến là sàn giao dịch việc làm doanh nghiệp Nhật Bản 2014 vừa được tổ chức ngày 22-11 vừa qua. Đây là hoạt động thử nghiệm kết nối các DN có nhu cầu tuyển dụng với lao động có tay nghề, biết tiếng Nhật Bản, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư từ xứ sở mặt trời vào Việt Nam, nhất là phục vụ cho các KCN – KCX trên địa bàn. Đây là hoạt động còn khá mới mẻ nhưng sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao chất lượng tay nghề gắn với thu nhập ổn định, nhất là cho đối tượng lao động phổ thông...

Theo đại diện tỉnh Ehime, điều khiến các DN Nhật Bản còn băn khoăn khi đầu tư vào TP Hồ Chí Minh là cơ sở hạ tầng cũng như trình độ kỹ thuật của các DN Việt Nam, dù trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam đã có những bước tiếp cận khá tích cực.

Theo Báo Nhân Dân
 

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này