Khó khăn là điều không tránh khỏi khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài, không riêng gì Nhật Bản.
00:00
00:00
Dưới đây là gợi ý về 10 khó khăn mà bạn có thể gặp phải khi sống và làm việc tại Nhật Bản:
1. Thiếu thốn tình cảm gia đình
Nguời thân thiết, bạn bè không ở bên cạnh, vui hay buồn cũng tự mình hưởng, tự mình chịu. Những lúc như vậy hãy nhớ lại mục đích mà bạn đã chọn đi Nhật và những gì bạn có thể nhận được khi chọn đi theo con đường này. Từ đó mà bản thân cố gắng tìm ra cách khắc phục và vượt qua những khó khăn vất vả vì gia đình và tương lai của chính bạn sau này.
Hãy mở lòng và đón nhận có chọn lọc thêm những người bạn mới để cùng nhau trải nghiệm và trải qua cuộc sống tại Nhật theo cách vui vẻ và ý nghĩa nhất có thể.
2. Sự khác biệt
Khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, thói quen, lối sống… Bất đồng ngôn ngữ và văn hóa được xem là một trong những rào cản lớn nhất trong việc hòa nhập với môi trường và cuộc sống của người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Muốn “trăm trận trăm thắng” thì phải “biết người biết ta”. Đầu tư học tiếng Nhật; không ngại “học ăn, học nói, học gói, học mở”; quan sát, tìm hiểu, ghi chép và học hỏi có chọn lọc những cái hay của Nhật; tuân thủ theo quy định, phong tục, văn hóa của người bản xứ để có được phù hợp khi làm việc và sự hài hòa trong cuộc sống.
3. Áp lực công việc
Một thực tập sinh của Esuhai đang làm việc tại Nhật
Văn hóa đặc trưng của người Nhật đề cao sự đúng giờ, chính xác, nguyên tắc và kỷ luật. Trong công việc đòi hỏi người lao động làm việc với cường độ cao, kỷ luật lao động chặt chẽ, tác phong khẩn trương, giờ nào việc đó nên gần như là không có nhiều thời gian chết trong quá trình làm việc. Nếu không biết trước điều này hoặc biết nhưng không tìm cách thích nghi thì dù là khi mới sang Nhật hay đã có một thời gian làm việc thì vẫn sẽ cảm thấy nơi làm việc là vô cùng khắc nghiệt và công việc là vô cùng khó khăn áp lực.
4. Áp lực tinh thần
Ở Nhật, văn hóa senpai – kohai (tiền bối – hậu bối) rất rõ ràng và phổ biến. Quan hệ senpai – kohai phản ánh vai trò và trách nhiệm của thế hệ đàn anh đối với việc giáo dục đào tạo cho thế hệ đàn em. Nhiệm vụ của thế hệ đàn em là học hỏi và làm theo những chỉ dẫn của đàn anh đi trước. Dù cho hậu bối được đào tạo kiến thức khoa học tốt hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn còn non trẻ về kinh nghiệm và cả độ tuổi (nếu có), những kiến thức, kinh nghiệm được tiền bối tích lũy và truyền lại sẽ giúp thế hệ đàn em không mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy hậu bối phải kính trọng và học hỏi nhiều điều hơn nữa từ các tiền bối.
Ngoài văn hóa senpai – kohai thì ở Nhật còn có văn hóa gọi là “Tinh thần Omotenashi”. Tinh thần Omotenashi là tinh thần phục vụ bằng cả tấm lòng, là tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao và trong việc ứng xử với đồng nghiệp, với cấp trên… Nếu không làm quen và thực hiện theo, bạn sẽ cảm thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi trong sinh hoạt, công việc, cuộc sống và tất cả các mối quan hệ…
5. Sức khỏe
Sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng do sự khác biệt về khí hậu, môi trường, thời tiết, thay đổi sinh hoạt, giờ giấc ngủ nghỉ, thời gian và công suất làm việc, hay phải đứng suốt mấy tiếng khi làm việc.... Vì vậy, rèn luyện thể lực trước khi sang Nhật là việc không nên bỏ qua.
Tại Esuhai, chương trình đào tạo thể lực song song cùng chương trình đào tạo tiếng Nhật trong suốt 1 năm chính là vì mục tiêu rèn luyện thể lực và tăng cường sức khỏe cho các bạn học viên khi sang Nhật làm việc.
6. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ
Nhật Bản là một trong những cường quốc trên thế giới và vì vậy nước này cũng nằm trong danh sách các nước, vùng lãnh thổ có mức sống đắt đỏ nhất hành tinh.
Chương trình đào tạo Oden tại Esuhai với những buổi học định hướng và hướng dẫn cách quản lý tiền bạc và chi tiêu hợp lý, chế độ dinh dưỡng, quản lý thời gian, tư duy hưởng thụ và phục vụ… là một trong những cách giúp các bạn biết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý để có tiền tiết kiệm làm vốn khi về nước.
7. Tiềm ẩn nguy cơ
Một số nguy cơ mà người lao động có thể gặp phải khi sinh sống và làm việc xa nhà: Bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, tăng ca quá nhiều, nhận lương không đúng như hợp đồng đã ký, bị quấy rối hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục (đặc biệt là đối với các bạn nữ)…
Esuhai hiện có văn phòng tại Nhật Bản và có đội ngũ nhân sự chuyên trách hỗ trợ người lao động do công ty phái cử sang Nhật học tập và làm việc. Vì vậy, nếu trong trường hợp bạn cảm thấy bản thân mình có nguy cơ gặp phải điều không hay và cảm thấy không thể tự giải quyết được thì có thể liên hệ với Esuhai tại Nhật Bản để được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hợp lý nhất.
8. Nhật Bản không cho KHÔNG bạn điều gì
Trong số các thị trường xuất khẩu lao động thì Nhật Bản là thị trường được đánh giá có mức thu nhập cao. Họ trả lương cao đồng nghĩa người lao động cũng phải đem về cho họ lợi ích cao nhất có thể. Nếu bạn muốn nhiều tiền thì phải làm thêm nhiều, đồng nghĩa thời gian nghỉ ngơi sẽ ít và có thể bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và sẽ kêu khổ.
Khi ở Nhật, bạn phải học thói quen làm việc như người Nhật: làm việc hết mình, có trách nhiệm trong công việc, đi làm đúng giờ, tôn trọng đồng nghiệp và cấp trên, giúp đỡ mọi người…
9. “Nạn” rủ rê người lao động bỏ trốn tràn lan
Gần như người lao động nào làm việc tại Nhật cũng đã từng tiếp xúc hoặc nghe nói về lời rủ rê bỏ trốn ra làm ngoài sẽ có mức thu nhập cao hơn rất nhiều… và bạn nên biết, những vụ tai nạn, mất tích, những rủi ro trong quá trình lao động, kiệt quệ sức khỏe… là những bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định đi xuất khẩu lao động trái phép.
10. Hình ảnh người Việt Nam tại Nhật không tốt
Đâu đó trên nước Nhật, tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, nơi đỗ xe… xuất hiện những biển hiệu cấm ăn cắp được viết bằng tiếng Việt và tiếng Nhật bởi đã từng có những người Việt Nam ý thức kém, có hành động ăn cắp, ăn trộm… một bộ phận nhỏ nhưng đã làm hình ảnh người Việt Nam nói chung bị xấu đi trong mắt người Nhật và gây ảnh hưởng không ít đến rất nhiều lao động Việt khác.
Do đó, các bạn trẻ khi đi làm việc tại Nhật cần chú ý hơn về ý thức trong đời sống và công việc, nhằm xóa nhòa hình ảnh xấu và gầy dựng hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hiền lành, nghiêm túc và nỗ lực trong mắt các công ty và người dân Nhật Bản.
Esuhai liệt kê một số khó khăn mà bạn có thể sẽ gặp phải khi sinh sống và làm việc tại Nhật ra đây là để mỗi bạn sớm tự có sự chủ động, có sự chuẩn bị tốt hơn về sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, tinh thần và thậm chí là dự phòng các phương án giải quyết phù hợp nếu gặp tình huống khó khăn ngay trước khi đặt chân sang Nhật Bản.
Nếu làm được vậy sẽ giúp chính bạn tránh hoặc giảm thiểu xuống mức thấp nhất tâm lý bi quan, chán nản, dẫn đến không làm tốt công việc, xung đột trong các mối quan hệ hay phá bỏ hợp đồng lao động và về nước trước hạn…
Chúc các bạn có chuyến đi Nhật an toàn, mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc ngày trở về nhé!
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.