Người Việt phát biểu trước Quốc hội Nhật về lao động nước ngoài
26/11/2018
1235
Ông Lê Long Sơn - giám đốc Công ty Esuhai, TP.HCM - vừa được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến về chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài đến Nhật làm việc.
00:00
00:00
Đây là lần thứ hai ông Sơn được mời phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản.
"Xin kính chào quý vị đại biểu. Tôi là Lê Long Sơn. Tôi là người Việt Nam và hiện đang quản lý một doanh nghiệp tên là Esuhai tại Việt Nam", ông Sơn mở đầu bài phát biểu bằng tiếng Nhật dài 15 phút của mình trước Quốc hội Nhật ngày 22-11.
Ông nói tiếp: "Cách đây 23 năm, tôi đã đến Nhật Bản với tư cách là một du học sinh. Tôi học bằng thạc sĩ tại ĐH Nông nghiệp và công nghệ Tokyo với mong muốn trở thành một kỹ sư cơ khí chuyên ngành nghiên cứu khuôn mẫu. Mục tiêu của tôi là lên kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất khuôn mẫu tại Việt Nam trong tương lai".
Ông Sơn kể năm 2000 ông được biết tới chương trình thực tập sinh kỹ năng. "Tôi nghĩ đây là chương trình thật tuyệt vời", ông Sơn nói.
Ông Lê Long Sơn phát biểu trước Quốc hội Nhật hôm 22-11 - Ảnh chụp màn hình
"Tuyệt vời vì thông qua chương trình này, những thanh niên Việt Nam có cơ hội được làm việc trực tiếp tại công trường, nhà xưởng của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Theo tôi biết sự phát triển của nền công nghiệp Nhật Bản đa phần dựa trên nền tảng hỗ trợ của khoảng 90% là những công ty vừa và nhỏ này".
Ông Sơn đánh giá: "Thực tập sinh kỹ năng là chương trình có những điểm rất tích cực và ý nghĩa không chỉ dành cho thanh niên Việt Nam, các công ty tuyển dụng Nhật Bản, các cơ quan phái cử mà hơn hết còn là sự kết nối và phát triển giữa hai quốc gia Việt - Nhật".
Được biết, hiện Nhật Bản chỉ tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài đến làm việc theo hai chương trình là thực tập sinh kỹ năng và lao động bậc cao (kỹ sư).
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực với số lượng lớn ở tất cả các ngành nghề, Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu luật mới để tiếp nhận được nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng và kinh nghiệm nhất định, có yêu cầu về năng lực ngoại ngữ phù hợp. Đối tượng này có thể hiểu sẽ có trình độ và yêu cầu thấp hơn kỹ sư nhưng cao hơn thực tập sinh kỹ năng.
Đề cập luật mới này, ông Sơn nói: "Chương trình theo luật mới nếu được ban hành sẽ là cơ hội để lao động đã tham gia chương trình thực tập sinh 3 năm, 5 năm có thêm cơ hội để tiếp tục được nâng cao trình độ tiếng Nhật, tay nghề, kỹ năng tại Nhật Bản".
Vì vậy, ông Sơn đề xuất chương trình theo luật mới cần phải tuyển chọn những người lao động có ý thức học tập và làm việc cao, có tay nghề chuyên môn kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình thực tập sinh.
"Chương trình thực tập sinh hiện đang được vận hành rất tốt bởi sự quản lý và kiểm soát của Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy theo đề xuất của tôi thì chương trình mới này Chính phủ Nhật cũng phải ký kết quy định hợp tác giữa hai nước.
Việc này để Chính phủ Việt Nam kiểm soát và quản lý được quá trình tuyển chọn, đào tạo một cách hợp pháp và chặt chẽ trước khi người lao động nhập cảnh sang Nhật làm việc, đồng thời kiểm soát và chọn ra các doanh nghiệp uy tín để tham gia phái cử người lao động sang Nhật Bản làm việc…
Nguyện vọng của tôi là muốn tiếp tục chương trình thực tập sinh, mở rộng hơn nữa ngành nghề tiếp nhận để người lao động tốt có cơ hội sang Nhật làm việc và học tập", ông Sơn nói.
Theo HÀ BÌNH - Báo Tuổi Trẻ
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.