scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
27/03/2012
1886
ESO - Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Nhật Bản đang có sự đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài và Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo tài liệu của Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản hiện có khoảng 220.000 công ty,  trong đó mới chỉ có 2,7% số công ty này đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tiềm năng để Việt Nam thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản.

Sản xuất và lắp ráp ô tô là ngành sẽ được tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ cần được “hỗ trợ”

Công nghiệp hỗ trợ luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, so với các quốc gia Châu Á khác, ngành này hiện vẫn chưa phát triển tại Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhìn chung chủ yếu dựa vào nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu và chỉ sản xuất các sản phẩm thâm dụng lao động. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành cơ khí ở Việt Nam nói chung chỉ đạt 26,5% trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực như Thái Lan là 53,9%, Malaysia là 41,3% và Indonesia là 39,5%. Công nghiệp xe máy có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất, đạt 70 - 90% nhưng thực tế phần lớn trong đó (trên 50%) là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Do phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực về giá cả và thời hạn giao hàng. Các sản phẩm chất lượng cao hầu hết do các công ty nước ngoài đảm nhận, sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Đây cũng chính là nguyên nhân mà ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn rất đơn giản, manh mún, chủ yếu tập trung sản xuất các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, bài toán cho các nhà điều hành Việt Nam là phải làm sao phát triển và chủ động được các linh phụ kiện - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nhận xét tại buổi hội thảo quốc tế “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế” diễn ra vào ngày 22/3/2012 tại Hà Nội.

Hiện nay, những bất cập của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là do chưa có khung chính sách đồng bộ. Văn bản pháp lý duy nhất là Quy hoạch được phê duyệt năm 2007 và Quyết định về Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Chính sách ưu đãi và cơ chế tài chính chưa rõ ràng, và cũng chưa cho chính sách thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó,  năng lực của các doanh nghiệp trong nước và nguồn lao động kỹ thuật còn hạn chế; và thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Vì vậy, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cần phải phát triển quy mô thị trường đủ lớn, thu hút được các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt đối với các linh kiện gọn nhẹ, không có yêu cầu khắt khe về giao hàng đúng hạn. Bên cạnh đó, có thể thu hút các doanh nghiệp nước ngoài bằng môi trường đầu tư hấp dẫn.

Xây dựng giải pháp thích hợp nhằm thu hút đầu tư

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Trung cho biết, tính đến tháng 2 năm 2012, trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam với số dự án tăng thêm là 23 dự án, tổng số vốn đầu tư là 1,2 tỷ đô la, nâng tổng số dự án lên 1692 dự án và số vốn đăng ký trên 24,7 tỷ đô la.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang sở hữu công nghệ ở các bậc vừa phải, có khoảng cách công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam không quá xa và do đó, dễ tạo ra cầu nối liên kết - giao thương qua các hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước.

Trong những năm gần đây, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung bao gồm cả khu chế xuất và khu công nghệ cao được chú trọng phát triển, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp, kinh tế. Đặc biệt, với sự ra đời của 15 khu kinh tế và hơn 260 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy mới đạt 65% cùng với một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay sẽ khiến Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp SMEs Nhật Bản. GS Kenichi Ohno - Giám đốc diễn đàn phát triển Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, bên cạnh đó, nhân công ở Việt Nam khá rẻ, giá thuê cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thấp dẫn đến tiết kiệm chi phí sản xuất. Vì thế, đây là một trong những điểm mạnh của Việt Nam để thu hút không chỉ đầu tư của Nhật Bản mà còn của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản được xem là nhà đầu tư khó tính. Vì thế, một số doanh nghiệp SMEs của Nhật Bản vẫn còn e ngại khi quyết định lựa chọn đầu tư tại đây do thiếu các thông tin liên quan tới chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, đặc biệt là tại các khu công nghiệp Việt Nam. Vì thế, cần có những giải pháp thích hợp để đáp ứng, chẳng hạn như chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, nhà xưởng, hạ tầng điện, nước, viễn thông… chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế.

Ông Kenichi Ohno cũng chia sẻ, ở một số khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tình trạng mất điện, chưa đảm bảo đủ nguồn điện, dịch vụ hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thuế quan theo cơ chế 1 cửa… thì sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia dẫn đầu trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Điều này cho thấy, tiềm năng để khai thác của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở các cấp độ quy mô khác nhau tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón nguồn đầu tư này.

Theo baocongthuong.com.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới