scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Kinh nghiệm quý cho giao thông Việt Nam từ Nhật Bản
05/06/2012
1110
Những phương tiện xe đủ loại và cả hành vi tham gia giao thông tự phát… Đó là bộ mặt giao thông Nhật Bản hơn 50 năm về trước và cũng là những hình ảnh không xa lạ Việt Nam hiện nay.

Hơn 12.000 người chết một năm vì tai nạn giao thông. Việt Nam được xem là nước có số tai nạn giao thông và người chết cao nhất thế giới. Chính phủ Việt Nam bên cạnh những nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại, cũng luôn kêu gọi sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, chọn lọc, để thích nghi với đặc điểm của Việt Nam.

50 năm trước được xem là thời điểm hỗn loạn nhất của giao thông Nhật Bản với 17.000 người chết một năm. Chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra khái niệm “Chiến tranh giao thông”, bởi con số này tương đương với số người thiệt mạng trong một cuộc chiến tranh ở Nhật Bản nhiều thập kỷ trước.

 

Ông Takagi Michimasa, một chuyên gia về giao thông đến từ Nhật Bản hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam mang đến một trong những bài học từ đất nước mình, qua những chia sẻ thẳng thắn và tâm huyết. 

 

Hiện là Tư vấn trưởng dự án JICA cải thiện giao thông công cộng tại Hà Nội, ông Takagi Michimasa chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua hai cuộc “chiến tranh giao thông”: Một là cuối những năm 1960, rồi đến cuộc chiến tranh giao thông thứ hai những năm 1970. Hồi đó chúng tôi cũng có quá nhiều phương tiện, cơ sở hạ tầng còn thiếu, lúc đó Nhật Bản còn nghèo, ý thức người dân chưa cao và Việt Nam các bạn đang rơi vào giai đoạn giống như cuộc chiến tranh giao thông lần thứ nhất của chúng tôi”.   


Ông Takagi cho rằng, với con số 12.000 người chết một năm vì tai nạn giao thông, Việt Nam chưa rơi vào thời kỳ “chiến tranh giao thông” như của Nhật Bản những thập kỷ trước. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành hiểm họa vượt tầm kiểm soát nếu không có những kế hoạch hành động kịp thời ngay từ bây giờ.   

     

50 năm trước, Nhật Bản đã phải ra 2 đạo luật mới: Luật giao thông và Luật phương tiện, rồi thi hành cương quyết trong 10 năm liên tục. Còn ở một nước dân số trẻ như Việt Nam, vấn đề giáo dục và đào tạo cần được nhấn mạnh.    

      

“Tôi nghĩ là các bạn hãy tính đến việc đào tạo từ các em nhỏ, mỗi trẻ em rồi sẽ là những lái xe trong tương lai, mà đào tạo 1 trẻ em bao giờ cũng sẽ dễ dàng hơn giáo dục 1 người lớn… Ở Nhật, nhờ giáo dục từ bé mà trẻ em có ấn tượng rất tốt với cảnh sát giao thông và rất ngoan ngoãn chấp hành. Ngoài ra, hãy nâng cao ý thức cho các bà mẹ, những người gần gũi trẻ nhất”, ông Takagi Michimasa nói.


Hiệu quả bền vững đã được chứng minh từ những con số ấn tượng của ngành giao thông Nhật Bản. Giờ đây, số phương tiện giao thông của quốc gia này đã tăng 4 lần, nhưng số vụ tai nạn đã giảm xuống 4 lần. Nhật Bản hôm nay trở thành một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới.


Theo ông Takagi, Nhật Bản hay Việt Nam, mỗi quốc gia đều sẽ phải trải qua những giai đoạn khó khăn nhất định để phát triển hệ thống giao thông. Điều quan trọng là bên cạnh những chính sách chung, việc xây dựng ý thức giao thông cần được coi như một khâu nền tảng.


Thep www.vtv.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới