scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ: Kỳ vọng vào doanh nghiệp Nhật Bản
03/06/2012
855
Việt Nam đang hướng tới thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.


Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Tập đoàn Forval (Nhật Bản)

Tín hiệu của làn sóng đầu tư

Động thái gần đây nhất là sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tập đoàn Forval của Nhật Bản. Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài và Tập đoàn Forval sẽ thường xuyên trao đổi thông tin và quan điểm liên quan đến các biện pháp tích cực nhằm quảng bá môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam tại Nhật Bản. Một biện pháp quan trọng nữa cũng được hai bên chú ý là cung cấp cho các SME Nhật Bản đầy đủ thông tin liên quan đến sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với những ngành này. Phía Tập đoàn Forval chịu trách nhiệm tìm hiểu nhu cầu của các SME Nhật Bản tại Việt Nam để mở rộng đầu tư.

Trong khi Việt Nam đang hướng đến việc thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia, sự hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Tập đoàn Forval cho thấy, Việt Nam sẽ dành ưu tiên cho những dự án đầu tư từ các SME nước ngoài.

“Chúng tôi cần kêu gọi đầu tư từ các SME nước ngoài, bởi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Forval.

Công nghiệp phụ trợ Việt Nam cần cú huých

Có thể thấy rằng, một trong những thành tựu lớn của Việt Nam sau 26 năm mở cửa là đã trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới. Rất nhiều công ty xuyên quốc gia nổi tiếng đã đầu tư vào Việt Nam, như Canon, Intel, Samsung, General Electrics, Toyota, Ford, General Motors… Gần đây nhất, Nokia, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, cũng đã khởi động xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các công ty này đang gặp khó khăn chung là rất khó tìm được nhà cung cấp phụ tùng tại Việt Nam. Sự phát triển yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ đã trở thành một trong những rào cản lớn nhất đối với việc thu hút đầu tư từ các công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam.

Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ. Hơn 10 công ty sản xuất ô tô đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong đó có Ford và Toyota, thì hầu hết các nhà máy mới dừng ở công đoạn lắp ráp linh, phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô tính đến nay mới đạt khoảng 10% - một con số quá thấp, phản ánh sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Ở tất cả các nền kinh tế, các SME luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và chính các doanh nghiệp này sẽ là những nhà cung cấp linh, phụ kiện cho các công ty đa quốc gia.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là SME. Với con số như vậy, lẽ ra, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ phát triển tốt. Tuy nhiên, hầu hết các SME Việt Nam hiện nay chỉ sở hữu những công nghệ sản xuất lạc hậu và kỹ năng quản lý kém. Do đó, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng đủ các yêu cầu để trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Kỳ vọng vào SME Nhật Bản

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, hoạt động đầu tư từ các SME Nhật Bản tại Việt Nam sẽ giúp cải thiện phần nào sự thiếu hụt của ngành công nghiệp phụ trợ. Ngay trong buổi lễ ký kết, ông Hoàng cũng nhấn mạnh rằng, việc thực hiện các biện pháp trong bản thỏa thuận với Tập đoàn Forval phải được tiến hành “khẩn trương và có hiệu quả”.

“Chúng tôi muốn thúc đẩy đầu tư từ các SME Nhật Bản, bởi đây là những doanh nghiệp nắm giữ công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như kỹ năng quản lý tốt. Điều quan trọng hơn, hiện đã có rất nhiều công ty lớn của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và đang muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, thay vì nhập khẩu”, ông Hoàng nói.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Nhật Bản hiện là quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 27 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn nếu so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.

“Chúng tôi biết rằng, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đã lên đến 2.000 tỷ USD, trong đó chỉ có 27 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Con số này chưa tương xứng với mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện tại”, ông Hoàng nói.

Mặc dù vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam. Kể từ đầu năm ngoái đến nay, rất nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó phần lớn là các SME. Trong 5 tháng đầu năm nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, với số vốn cam kết là 3,68 tỷ USD, chiếm 69% tổng số vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam.

Ông Hideo Okubo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Forval cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư từ các SME Nhật Bản.

Theo ông Hideo Okubo, Nhật Bản hiện có khoảng 4 triệu SME, nhưng trong đó, chỉ có 6.000 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Tuy vậy, hiện nay, các SME đang có nhu cầu mở rộng đầu tư ra bên ngoài rất lớn, do sự tăng giá của đồng yên và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước. Thêm vào đó, thảm họa kép sóng thần, động đất xảy năm 2011 cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề và buộc họ phải dịch chuyển một phần sản xuất ra bên ngoài, nhằm tránh những rủi ro tương tự.

“Có rất nhiều lựa chọn cho các SME Nhật Bản khi họ đầu tư ra các nước trong khu vực châu Á, nhưng Việt Nam đang cho thấy là một trong những lựa chọn rất tốt”, ông Okubo nói.

Thực tế, trong những năm qua, các SME của Nhật Bản đã đầu tư khá nhiều vào các nước như Trung Quốc hay Thái Lan. Nhưng vào thời điểm hiện tại, ông Okubo cho biết, các thị trường này cũng có những khó khăn nhất định, như sự gia tăng chi phí lao động tại Trung Quốc và trận lụt lịch sử tại Thái Lan năm ngoái. Đối với các thị trường khác, Indonesia đang nổi lên là một điểm hấp dẫn mới về đầu tư. Nhưng ông Okubo cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản đã học được cách “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Nỗ lực xúc tiến đầu tư


Vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các SME Nhật Bản là lo ngại về sự thiếu hụt lực lượng nhân công lành nghề. Ngay sau buổi ký kết, ông Hoàng cho biết, hai bên sẽ phải thực hiện ngay một số hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Có một điểm mới là, những hoạt động này sẽ được tiến hành theo một cách mới, chứ không đi theo lối mòn của các cuộc xúc tiến đầu tư trước đây.

Ông Okubo gợi ý rằng, các cuộc xúc tiến đầu tư không nên tổ chức tại các thành phố lớn, như Tokyo hay Osaka, vì đó không phải là nơi tập trung các SME Nhật Bản. Trong thời gian tới, phía Tập đoàn Forval sẽ giúp Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư tại những trung tâm công nghiệp của Nhật Bản, nơi tập trung nhiều SME trong các lĩnh vực cơ khí và điện tử.

“Mỗi lần tổ chức xúc tiến, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào một nhóm SME trong một ngành công nghiệp cụ thể. Làm như vậy, sẽ biết được các nhà đầu tư muốn điều gì để có thể đầu tư được vào Việt Nam, đồng thời chúng tôi có thể cung cấp cho họ những thông tin chính xác về sự phát triển của ngành công nghiệp đó và những hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam”
, ông Hoàng nói.

Một trong những bước đi quan trọng để thu hút các SME Nhật Bản là Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng hai khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng. Ngay cả đối với Forval, tập đoàn này cũng đã lên kế hoạch để xây dựng một khu công nghiệp dành cho công nghiệp phụ trợ tại khu vực phía Nam. Ông Okubo từ chối cung cấp những thông tin chi tiết về dự án này, nhưng cho biết rằng, dự án đang tiến triển rất tốt.

Như vậy, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mình tích cực trong vài năm tới, góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Ông Hoàng cho rằng, cơ hội này chỉ có trong khoảng 3 năm tới. “Nếu chúng ta không làm gì trong 3 năm tới, các SME Nhật Bản sẽ đầu tư sang các quốc gia khác, như Indonesia, Malaysia, thậm chí là Myanmar và Campuchia, chứ không đợi chúng ta. Tôi hy vọng, sự hợp tác với Tập đoàn Forval sẽ mang lại kết quả tốt”, ông Hoàng nói.

Theo Báo Đầu tư

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới