scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Để Việt Nam luôn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản
23/10/2012
983
Từ vị trí thứ 4, năm 2012 Nhật Bản đã vươn lên trở thành vị trí số 1 trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với hơn 14.000 dự án và tổng vốn đăng ký trên 200 tỷ USD.


Ông Lê Hữu Quang Huy

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục khẳng định ngôi vị nhà đầu tư nước ngoài (FDI) số 1 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,68 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đâu là lý do dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên đột biến như vậy, để làm rõ điều này, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Quang Huy - Tham tán Kinh tế, Trưởng bộ phận Xúc tiến đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản bên lề Toạ đàm “Trao đổi kinh nghiệm Xúc tiến đầu tư tại nước ngoài khu vực phía Bắc” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 16/10.

Với vai trò Trưởng Bộ phận Xúc tiến đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, xin ông cho biết những điều kiện nào khiến dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh thời gian qua?


Trước tiên phải nói đến Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược. Về kinh tế, Nhật Bản luôn coi Việt Nam là đối tác hàng đầu, thể hiện ở 3 trụ cột chính, bao gồm: ODA, FDI và thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản năm 2011 là hơn 21 tỷ USD, xấp xỉ đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 22 tỷ USD.

 

Chính phủ Nhật Bản cũng thể hiện sự nhất quán trong việc ủng hộ Việt Nam. Vì thế, năm 2010, mặc dù Nhật Bản cắt giảm 7,9% ODA với tất cả các quốc gia, nhưng đối với Việt Nam không những không giảm mà còn tăng. Việt Nam và Nhật Bản cũng có những nét tương đồng về văn hoá, người dân hai nước Việt Nam- Nhật Bản cũng rất thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Qua sự kiện động đất, sóng thần vào ngày 11/3/2011, người dân Nhật Bản cũng cảm nhận được rõ hơn tình cảm của người dân Việt Nam dành cho mình.

 

Việt Nam có vị trí thuận lợi, chính trị ổn định, GDP tăng cao, và khung khổ pháp lý về thu hút FDI ngày càng hoàn thiện, dân số trẻ. Giao thông giữa Việt Nam và Nhật Bản khá thuận lợi, mỗi tuần có khoảng 46 chuyến bay từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Đặc biệt, đầu tư ra bên ngoài đang là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Nhật Bản do đồng yên cao, thuế thu nhập doanh nghiệp của Nhật Bản cũng ở mức cao… nên đây là những điều kiện rất thuận lợi, tác động không nhỏ đến sự gia tăng của dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam thời gian qua và thời gian tới.

 

Hiện có rất nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó nổi bật là Myanmar. Điều này sẽ tạo nên những thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút FDI từ Nhật Bản. Trước bối cảnh đó, theo ông Việt Nam cần làm gì để luôn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản?


Năm 2015 chúng ta mở cửa thị trường, nên nếu đầu tư ở Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Thái Lan thì cũng là trong một khối Asean. Lúc ấy thuế suất, xuất nhập khẩu trong nội khối sẽ là bằng không, vậy nên nhà đầu tư sẽ chọn những địa điểm đầu tư thuận lợi nhất để đầu tư. Đây cũng là một thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những sự thay đổi.

 

Việt Nam sẽ phải thay đổi gì ? Có mấy vấn đề đang được coi như “rào cản” trong thu hút FDI tại Việt Nam, đó là hạ tầng chưa đảm bảo, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và chưa có những đội ngũ lao động thông thạo tiếng Nhật. Để khắc phục, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng điện; đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cần đưa ra những quy hoạch tổng thể để thu hút đầu tư có trọng điểm, trọng tâm; và khắc phục rào cản ngôn ngữ bằng việc đào tạo ra những người có khả năng nói tiếng Nhật, kể cả công nhân để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

 

Thời gian qua cũng có rất nhiều địa phương của Việt Nam sang xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy theo ông, để xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản thành công, các địa phương cần làm gì?

 

Đúng là thời gian qua có rất nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của các địa phương Việt Nam sang Nhật Bản. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, 6 tháng đầu năm có tới 64 đoàn xúc tiến đầu tư của Việt Nam đến Nhật Bản.

Để xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản thành công, các địa phương cần có sự chuẩnbị từ xa, thông thường từ 3-5 tháng. Khi đi xúc tiến đầu tư không nên đi quá đông, và phân bổ thời gian hợp lý, ví dụ thời điểm tháng 8 ở Nhật Bản nghỉ thì không nên sang xúc tiến đầu tư.

 

Mặt khác, chúng ta cũng cần đa dạng hoá các cơ quan xúc tiến đầu tư, không chỉ tập trung vào JETRO- là cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại của Nhật Bản mà cần đa dạng thêm các cơ quan khác. Ví dụ như các ngân hàng, viện nghiên cứu, hiệp hội, thậm chí các phòng thương mại của địa phương…

 

Vâng, xin cám ơn ông !

Theo Báo Kinh tế Việt Nam

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới